Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có khoảng 715.000 doanh nghiệp (DN). Để đạt được mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, trong vòng hơn một năm tới, cả nước phải có khoảng 300 ngàn DN thành lập mới. Đây là con số không dễ có thể đạt được, song nếu nhà quản lý tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN nâng sức cạnh tranh thì mục tiêu trên là khả thi.
Cải cách thủ tục để doanh nghiệp thêm cơ hội phát triển.
Kỷ lục cả doanh nghiệp thành lập mới lẫn doanh nghiệp giải thể
Nhìn vào những thông tin về cộng đồng DN được nêu lên trong Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, có thể thấy năm 2018 số DN thành lập mới trên cả nước tăng kỷ lục. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương tập trung nhiều DN thành lập mới nhất. Cụ thể,TP HCM có 43.230 DN, chiếm 32,9% số DN thành lập mới của cả nước; Hà Nội có 25.231 DN, chiếm 19,2%; tiếp theo đó là các tỉnh Bình Dương với 5.923 DN thành lập mới, chiếm 4,5%; Đà Nẵng 4.474 DN, chiếm 3,4%...
Về số DN quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, Hà Nội và TP HCM cũng là hai địa phương xếp đầu danh sách với 10.336 DN tại TP HCM, tăng 28,3%; Hà Nội 6.470 DN, tăng 36%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù có số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất cả nước song Hà Nội và TP HCM cũng là 2 địa phương có số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể đứng vị trí “đầu bảng”.
Ghi nhận số DN thành lập mới tăng kỷ lục trong năm 2018 song Sách trắng DN 2019 cũng nêu ra một con số đáng quan tâm, đó là tổng số DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể của cả nước là 106.965 DN, chiếm tới hơn 80% số DN thành lập mới - cũng lại là một con số kỷ lục về số DN làm ăn khó khăn. Con số này cho thấy bức tranh hoạt động của hơn 700 ngàn DN hiện nay vẫn chưa thực sự sáng sủa. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao số DN ngừng hoạt động vẫn lớn đến như vậy. Phải chăng, vẫn còn tình trạng các DN được thông ở đầu này song vẫn tắc nghẽn ở đầu kia?
Vì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Còn nhớ, trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được VCCI công bố cách đây không lâu, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên một thực tế là DN hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp cận thông tin, từ thông tin về chính sách, quy hoạch dự án cho đến các thông tin về thị trường, về hội nhập. Nhiều DN cho biết, gánh nặng “hậu đăng ký “ vẫn đang đeo đẳng. Cạnh đó, một tỷ lệ không nhỏ các DN, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa cho biết, họ vẫn gặp phải rào cản khi xin các loại giấy phép như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và các loại giấy chứng nhận khác nữa. Không ít DN phàn nàn về việc họ phải mất rất nhiều thời gian chỉ để đợi nhận được tấm giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy. Chưa kể, chính sách của nhà quản lý đưa ra vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng giữa các khu vực DN: DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng như với khu vực DN nhà nước. Bản thân các DN nhỏ và vừa đã không ít lần phải đề xuất rằng, họ không cần các chính sách ưu ái, họ chỉ cần được đối xử công bằng. Song xem ra, tại các địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “phân biệt đối xử” giữa hai khu vực DN.
Mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 sẽ rất khó nếu những rào cản nói trên không được tháo gỡ. Ngược lại, trong vòng một năm rưỡi nữa, con số gần 300.000 DN thành lập mới sẽ khả thi nếu môi trường kinh doanh được tiếp tục cải thiện một cách thông thoáng hơn. Khi những rào cản về thủ tục pháp lý, những nỗi lo của DN về việc phải “lobby” hay “bôi trơn” được giải tỏa, chắc chắn số doanh nhân muốn tham gia vào thương trường sẽ gia tăng nhanh chóng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Quân- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nêu quan điểm, để hỗ trợ thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển, việc cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh. Cần phải loại khỏi DN suy nghĩ “các thủ tục không “chạy” không được”. Theo ông Quân, việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực từ đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề phát triển chính là đòn bẩy để các DN yên tâm khởi nghiệp cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều DN vẫn kêu gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay tại các ngân hàng. Bởi vậy, nhà quản lý cần xây dựng các gói tín dụng phù hợp với lãi suất hợp lý, và điều quan trọng là cải cách thủ tục cho vay, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận dễ dàng các gói tín dụng.
Tất nhiên, về phía các DN cũng cần lưu ý đến việc làm sao để tạo chữ tín khi tiếp cận nguồn vốn vay tại các ngân hàng. Cụ thể ở đây, theo ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, các ngân hàng thương mại họ sẽ không ngại cho vay nếu DN chứng minh được phương án kinh doanh thật sự khả thi. Bởi vậy, bản thân mỗi DN cần phải có chứng minh thực lực về khả năng hoạt động của mình, phương án kinh doanh hiệu quả ra sao, khả năng quản trị đến đâu… để tạo niềm tin cho hệ thống các ngân hàng thương mại. Đơn giản bởi, sẽ không có ngân hàng nào chịu rủi ro khi cho DN vay vốn mà không biết sức khỏe của DN đó ra sao.