Đô thị hóa làm làng cổ biến dạng

Minh Quân 08/04/2023 07:05

Làng cổ tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang bị biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội. Hàng trăm ngôi làng giờ đây không còn lưu giữ nguyên vẹn được những dấu ấn văn hoá lịch sử mà đã trở thành những khu dân cư nửa nông thôn, nửa thành thị.

Đường vào làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Thách thức trong bảo tồn

Tại Hà Nội, hàng trăm làng xã truyền thống đã không còn lại được nhiều những dấu ấn văn hóa, lịch sử như làng cây cảnh Nghi Tàm, làng hoa Ngọc Hà, làng Đào Nhật Tân, làng cốm Vòng (Dịch Vọng). Cái nôi văn hóa hàng nghìn năm của đồng bằng sông Hồng đang dần bị biến mất trở thành những khu dân cư nửa nông thôn nửa đô thị.

Thực tế, nhiều làng cổ hiện nay chỉ còn là những dấu tích. Theo dự báo trong tương lai, hàng trăm làng xã sẽ vẫn chỉ là những cấu trúc hạ tầng nhỏ bé yếu ớt trong quá trình đô thị hóa. Khi phố tràn về làng, lại sẽ tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nước sạch, đường làng thành phố chợ… như Định Công, Giáp Bát, Hoàng Liệt. Hàng trăm làng xã sẽ thành những khu đô thị có không gian dị biệt, lộn xộn, nhấp nhô mái tôn, bình nước inox, đan xen vào các khu đô thị mới… Hay các làng nghề của Hà Nội mở rộng ngày nay đã và sẽ biến thành làng đô thị với môi trường ô nhiễm trầm trọng, ao làng thành nơi chứa nước thải, khói bụi, mùi của rác và phế thải giống như Triều Khúc, Phú Đô, Vân Hà (Hà Nội). Tình trạng ô nhiễm làng nghề cũng đã đến mức báo động…

KTS Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa với hướng phát triển kinh tế phi nông nghiệp và nền kinh tế thị trường, cấu trúc làng xã đương nhiên phải thay đổi và việc bảo tồn các giá trị của làng xã truyền thống cũng phải đặt trong bối cảnh đó. Các di tích không thể giữ gìn như các hiện vật bảo tàng mà đó là các di tích sống, cùng tham gia vào cuộc sống hiện tại. Vì vậy, phải xác định được vai trò mới của nó, giá trị tinh thần và sử dụng mới của nó trong phần vật thể vẫn được bảo tồn tôn tạo. Ở đó, nếu bảo tồn toàn bộ cấu trúc, không gian và các công trình trong làng thì người dân sẽ phải chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo của bảo tồn di tích, cả cuộc sống của mình phải theo yêu cầu của bảo tồn, hoạt động kinh tế từ nông nghiệp chuyển hướng sang phát triển dịch vụ du lịch. Còn nếu bảo tồn những di tích, những thành tố còn lại của làng cổ, trường hợp này cần nhìn nhận làng xã trên một xu thế đang biến động trước những biến đổi kinh tế - xã hội. Các thành tố cũ phải có một vị trí mới, ý nghĩa mới thì mới có thể tồn tại.

KTS Vũ Hoài Đức cũng bày tỏ, hiện nay còn rất nhiều các di tích không có khả năng sử dụng trong bối cảnh hiện tại hoặc sự tồn tại của chúng mâu thuẫn với yêu cầu phát triển. Phổ biến là các ngôi nhà cổ mà chức năng đã không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống mới, cổng nhà cổ quá nhỏ, giếng nước cổ không dùng được do ô nhiễm, đình chùa đã xuống cấp chưa có kinh phí tôn tạo hoặc phục dựng lại, các quần thể kiến trúc cảnh quan đã bị kiến trúc mới xâm lấn… Đây là những thách thức lớn của công tác bảo tồn.

Cây thị hơn 700 năm tuổi ở giữa làng và miếu Cây Thị của làng Phước Tích (Huế).

Những điều “mắt thấy tai nghe” ở làng cổ Đường Lâm

Thực tế công tác bảo tồn làng cổ ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang gặp phải vô vàn những thách thức. Đơn cử như câu chuyện làng cổ Đường Lâm sau nhiều năm vẫn tồn tại những nút thắt chưa được gỡ bỏ. Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, trong công tác bảo tồn di tích vẫn còn nhiều hạn chế, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển di tích. Còn tình trạng các hộ dân trong khu vực di tích do khó khăn về chỗ ở khi xây dựng đã vi phạm các quy định về khoảng lùi, chiều cao theo quy hoạch được duyệt, một số bất cập trong việc thực hiện quản lý chưa được kịp thời điều chỉnh. Việc thực hiện các Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, dân sinh tại di tích làng cổ Đường Lâm theo Đề án 4142/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội bước đầu đã đáp ứng nhu cầu bảo tồn của di tích Làng cổ ở Đường Lâm, tuy nhiên việc thực hiện này mới dừng lại ở giai đoạn 2016 - 2020 chưa có cho các giai đoạn sau, nên thiếu tính liên tục, các nhu cầu bảo tồn di tích phát sinh trong quá trình quản lý không được giải quyết kịp thời.

Ông Thạo cũng dẫn chứng, tại Đường Lâm hiện nay hệ thống cảnh quan đường làng ngõ xóm, cảnh quan cây xanh, rặng tre... một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bộ mặt cảnh quan của di tích cũng đang ngày một xuống cấp, thu hẹp hoặc dần mất đi. Hệ thống ao hồ tạo cảnh quan môi trường trên địa bàn di tích đang bị ô nhiễm do hệ thống thoát nước thải của khu dân cư đang xả trực tiếp hàng ngày làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân, phá vỡ cảnh quan của di tích. Một số hạng mục công trình di tích, nhà cổ bị xuống cấp chưa được tu bổ, bảo tồn kịp thời; tình trạng người dân khi xây dựng không đủ kinh phí để lợp ngói phải lợp mái tôn làm phá vỡ cảnh quan của di tích…

“Dự án xây dựng hạ tầng khu giãn dân giai đoạn 1 đã thực hiện xong. Tuy nhiên, do những khó khăn về quy định cơ chế chính sách hỗ trợ người dân ra khu ở mới nên hiện nay vẫn chưa thực hiện được việc giãn dân khiến cho công tác quản lý quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn và gây tâm lý bức xúc đối với các hộ dân trong khu vực di tích” - ông Thạo bày tỏ.

Thực tế làng cổ hiện nay đã và đang biến đổi sâu sắc, trong đó kiến trúc và cảnh quan không gian xuất hiện rất nhiều bất cập, cùng với nguy cơ biến mất các giá trị văn hóa. Dù nhà quản lý đã có những nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử của làng xã nhưng như vậy là chưa đủ khi mà làng cổ đang ngày một biến dạng.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, để bảo tồn và phát huy làng cổ về cấu trúc không gian rất cần được ứng dụng trong quy hoạch và quản lý. Với quy hoạch xây dựng Hà Nội đã xác định không gian phát triển với vùng đô thị hóa 30% và hành lang xanh chiếm 70%. Trong cả 2 vùng không gian ấy, làng cổ cần cách thức ứng xử có trách nhiệm để bảo tồn và phát triển làng xã một cách hài hòa trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đô thị hóa làm làng cổ biến dạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO