Câu chuyện phụ huynh thức trắng đêm để xin cho con vào trường (không phải trường “điểm”) đang là thực tế diễn ra ở nhiều khu đô thị ở Hà Nội. Nhất là tại các khu đô thị mới đi vào hoạt động, những địa bàn có người dân nhập cư từ các nơi đổ về đông thì việc tìm trường học, đặc biệt là cấp học mầm non cho con luôn là vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh.
Giờ học vận động của cô trò trường mầm non Hoa Hồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hàng nghìn học sinh và… 0 chỉ tiêu tuyển mới
Những năm gần đây, nhiều trường công lập của quận Cầu Giấy phải gánh một áp lực không nhỏ khi số lượng học sinh (HS) có nguyện vọng theo học luôn cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. Theo Kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017 do Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy ban hành ngày 12/5/2016,14 trường mầm non công lập trên địa bàn đều quá tải tuyển sinh.
Trong đó, nói như nhiều phụ huynh thì có những trường có “tỉ lệ chọi” còn cao hơn vào ĐH. Tại địa bàn phường Yên Hòa, 2.058 HS chưa đi học theo số liệu điều tra của phòng GD&ĐT trong khi chỉ tiêu tuyển mới vào trường mầm non Yên Hoà là 290 cháu. Tương tự, số HS theo điều tra so với số chỉ tiêu tuyển mới ở các trường mầm non Hoạ Mi, Sơn Ca, Nghĩa Đô, Dịch Vọng, Trung Hoà, Mai Dịch, Dịch Vọng Hậu… cũng cao hơn từ 8-12 lần.
Là “điểm nóng” tuyển sinh tại quận Hoàng Mai nhiều năm qua, trường mầm non Thịnh Liệt có chỉ tiêu tuyển mới cho khối lớp 2, 3, 4 tuổi năm học này là… 0 HS trong khi số liệu điều tra HS đến tuổi đi học là trên 1.400 cháu. Để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, những HS 5 tuổi chắc chắn sẽ được theo học tại trường hơn 1.400 cháu còn lại sẽ phải gửi ở đâu là một bài toán không dễ đối với hàng nghìn hộ gia đình.
Tại quận Long Biên, trường mầm non Hoa Sữa mặc dù chỉ có 284 chỉ tiêu tuyển sinh mới nhưng theo phân tuyến, có đến hơn 2.100 HS trong độ tuổi đi học tại khu vực này cần được đến trường. Một trường khác là mầm non Bồ Đề cũng có đến 1.954 HS đúng tuyển nhưng chỉ tiêu tiếp nhận chỉ có hơn 170 em. Nhiều trường khác như mầm non Đô thị Sài Đồng, Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Thượng Thanh, Ánh Sao, Đức Giang, Giang Biên… cũng đang phải gánh áp lực không nhỏ.
Bất an trường tư
Chị Trịnh Thuỳ Linh (Phòng 1.418, Chung cư H4C, KĐT Linh Đàm, Hà Nội) có con trai sinh năm 2014 cho biết, đang tìm trường mẫu giáo cho con. Chị đã lên danh sách gần 20 trường học quanh khu nhà và đi tham khảo được hơn 10 trường. Riêng trường công lập, theo phân tuyến, con trai chị Linh có thể đăng ký học tại trường mầm non Hoàng Liệt, khu lớp học Bằng B. Tuy nhiên, năm nay trường không có chỉ tiêu tuyển mới đối với học sinh 2 tuổi. Ngay cả các lứa tuổi 3, 4 cũng rất hạn chế chỉ tiêu tuyển mới để dành đất cho học sinh 5 tuổi theo chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
“Tôi đã chọn được một trường tư thục gần nhà cho con học. Nhưng tiền học phí cao gấp 2, 3 lần so với trường công nên vợ chồng tôi vẫn đang đắn đo” - chị Linh chia sẻ.
Gánh nặng học phí ở trường mầm non tư thục không phải gia đình nào cũng có thể kham nổi. Nhất là những gia đình nhập cư từ các địa phương về thành phố lớn làm ăn, sinh sống với công việc bấp bênh, thời vụ, lại phải đi thuê nhà hoặc mua nhà trả góp… tại các khu đô thị mới. Bên cạnh đó, nỗi lo về sự an toàn của con trẻ là điều khiến các bậc phụ huynh cố gắng tìm mọi cách xin cho con học trường công lập.
Điển hình là trong những ngày qua, một trường mầm non tư thục ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM bỗng “sốt xình xịch” khi có hàng chục phụ huynh túc trực qua đêm trước cổng trường để mong có được một suất học cho con. Một trong những nguyên nhân là vì trước đó, trên địa bàn quận Thủ Đức xảy ra 2 vụ bạo hành con trẻ ở nhà trẻ tư nhân, trong đó có một vụ dẫn đến tử vong.
Vì thế, mặc dù trường mầm non tư thục và các cơ sở trông giữ trẻ mọc lên như nấm sau mưa ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở gần các khu đô thị mới hoặc khu dân nhập cư đến sinh sống nhiều nhưng mong muốn của hầu hết các phụ huynh vẫn là được gửi con ở các trường mầm non công lập.
Xây nhà, “quên” xây trường?
Việc thiếu trường học, không chỉ ở cấp học mầm non mà cả ở cấp tiểu học, THCS tại các thành phố lớn là chuyện đã được nói đến từ lâu. Trong đó, ở các khu đô thị mới là nơi tập trung một lượng đông dân cư luôn gây ra áp lực nặng nề cho những trường học ở gần.
Theo thiết kế, các nhà thầu đều đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (dành khoảng 12% đến 15% diện tích đất). Nhưng thực tế ở nhiều khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng tại Hà Nội, dù được thiết kế hiện đại, được quảng cáo là tiêu chuẩn quốc tế nhưng nhà đầu tư chủ yếu chỉ lo xây nhà bán, lại “quên” chưa xây trường học cho trẻ. Theo khảo sát của phóng viên, nhiều khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công… mặc dù quỹ đất để xây dựng trường công lập thì có nhưng bỏ hoang hoặc dùng vào mục đích khác như cho thuê làm bãi đậu xe…
Hậu quả là những người dân từ khắp nơi đổ về thành phố lớn sinh sống và làm việc, chưa kịp vui mừng vì mua được một căn hộ để ở thì đã phải vật lộn tìm trường học cho con.
Dù đăng ký đúng tuyến nhưng nhiều gia đình vẫn than thở phải “chạy” mới có suất vào học trường công lập. Nếu đăng ký trái tuyến, ngoài việc phải “chạy trường” thì việc học xa nhà cũng khiến phụ huynh và con trẻ vất vả trong việc đưa đón, đi lại gây tốn kém.
Nếu lựa chọn trường tư hay các cơ sở trông giữ trẻ dù có phép hay không phép, nỗi lo về học phí cùng sự an toàn của con trẻ là điều hiện hữu. Giải pháp một số trường như mầm non Khương Đình đưa ra là bốc thăm để lựa chọn học sinh khi số hồ sơ vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đối với lớp 1, lớp 6 của Hà Nội, tất cả các em đúng tuyến đều được vào trường công lập vì đã phổ cập. “Đối với mầm non, hiện mới phổ cập đến trẻ 5 tuổi nên việc trẻ dưới 5 tuổi vào được các trường mầm non công lập phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường như bốc thăm là đương nhiên.
Hiện Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất và tham mưu với TP khi xây dựng các khu chung cư phải có các trường học như mầm non, lớp 1, lớp 6. Lãnh đạo UBND TP cũng rất quan tâm đến việc này và khi phê duyệt các dự án thì đều có tính đến các trường học sao cho phù hợp. Tuy nhiên, một số quận mới như Từ Liêm, số dân di cư đến rất đông, tập trung trong một thời gian ngắn nên rất khó cho ngành giáo dục” - ông Phạm Văn Đại cho biết.