Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 được kỳ vọng tạo ra sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước thềm Đại hội, chia sẻ với Đại Đoàn Kết, các vị chức sắc một số tổ chức tôn giáo mong muốn Mặt trận tiếp tục trở thành “mái nhà chung” vững chắc, là khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh.
Ông Huỳnh Thanh Phong.
Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong, Phó Trưởng Ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên:Đoàn kết các thành phần xã hội, các tôngiáo
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam nhiều nhiệm kỳ qua. Với ý thức trách nhiệm và khả năng của mình, nhiệm kỳ qua Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên đã phối hợp hành động theo chương trình hành động của MTTQ Việt Nam và đạt được một số kết quả. Cụ thể, Hội Thánh đã vận động đồng bào có đạo tham gia các cuộc vận động của MTTQ địa phương chăm lo người nghèo và công tác an sinh xã hội như: Khám chữa bệnh phát thuốc, cứu trợ bão lụt thiên tai, tổ chức các tổ phát cơm cháo tình thương các bệnh viện và nhiều hình thức khác với tổng kinh phí lên đến 20 tỷ đồng/ năm; Vận động đồng bào thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi vật nuôi cây trồng phù hợp tình hình để đảm bảo kinh tế gia đình.
Nhiệm kỳ tới, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên tin tưởng MTTQ Việt Nam tiếp tục trở thành mái nhà chung để tập hợp đoàn kết các thành phần xã hội, các tôn giáo phát huy nhiều hơn nữa vai trò trách nhiệm của mình, thực hiện tốt và có hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân trong mọi hoạt động xã hội nhằm đem lại hiệu quả cao hơn, tạo được lòng tin trong nhân dân. Chúng tôi cũng kỳ vọng Mặt trận sẽ phát động phong trào xóa đói giảm nghèo, có kế hoạch giúp đồng bào vượt khó vươn lên thoát nghèo, bằng cách tìm công ăn việc làm phù hợp địa phương, để bà con tham gia tạo kinh tế cho gia đình. Hội Thánh sẽ đồng hành cùng với Mặt trận tham gia các chương trình vì lợi ích của nhân dân và lợi ích quốc gia nhất là Chương trình vận động xóa đói giảm nghèo ở địa phương; Tham gia vận động ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; Tham gia bảo vệ an ninh xã hội, truyên truyền toàn đạo cảnh giác âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo; Phát huy truyền thống yêu nước trong Cao Đài Tiên Thiên, gìn giữ văn hóa tôn giáo, đạo đức xã hội.
Ông MachDares Samael.
Ông MachDares Samael,Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó ban Thường trực Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP HCM: Vì dân, hiểu dân
Cộng đồng Chăm Islam (Hồi giáo) tại Việt Nam có khoảng 82 nghìn người sống rải rác ở các tỉnh, thành phố từ miền Trung đến mũi Cà Mau, người Chăm cư ngụ đông nhất tại Châu Đốc, An Giang. Cộng đồng Chăm Islam sống đan xen cùng với các dân tộc khác chung quanh nơi họ cư trú đều rất thân tình, giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau trong lúc khó khăn cũng như trong đời thường, luôn đoàn kết tốt trong khu phố, tổ dân phố tại các địa phương nơi họ sinh sống.
Đồng bào Chăm luôn hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam chủ trì, phát động như Ngày Vì người nghèo, xây nhà tình nghĩa, tình thương, tham gia cứu trợ, hỗ trợ đồng bào thiên tai ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, cộng đồng Chăm đã tích cực hưởng ứng chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần xây dựng một môi trường sống xanh.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Mặt trận đã mang lại nhiều hiệu quả hơn cho các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng, trong đó có cộng đồng Chăm Islam. Việc nắm bắt tình hình về đời sống an sinh xã hội, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng hay kiến nghị của nhân dân có tính chất thiết thực, đa dạng hơn. Từ đó, nhân dân và đồng bào dân tộc, các tôn giáo ngày càng tin tưởng, ủng hộ Đảng, Nhà nước, giữ vững an ninh, chính trị ổn định tại địa phương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, đồng bào Chăm kỳ vọng MTTQ Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới để hoạt động của mình đi vào lòng dân, hiểu dân, vì dân. Mong rằng Mặt trận tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, giúp đỡ, hỗ trợ về đời sống, văn hóa, an sinh xã hội, việc làm cho người dân tộc thiểu số, ở vùng cao, vùng xa, trong đó có dân tộc Chăm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động đồng bào tham gia tích cực hơn nữa cùng với MTTQ Việt Nam xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chánh Hội trưởng Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam:Phản biện để xã hội thêm an lành, hạnh phúc
Trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng về mọi mặt trong đời sống nhân dân. Mặt trận chính là tiếng nói của mọi tầng lớp xã hội, trong đó có tôn giáo của chúng tôi, là mái nhà chung của đất nước, của dân tộc. Trong 5 năm MTTQ Việt Nam đã có nhiều cuộc vận động có hiệu quả như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” các hoạt động vì người nghèo, công tác an sinh xã hội. Đặt biệt, MTTQ Việt Nam đã ký kết với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tôi mong muốn nhiệm kỳ tới này MTTQ Việt Nam trên cơ sở những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua tiếp tục trở thành “mái nhà chung” càng vững chắc, là khối đại đoàn kết càng ngày càng vững mạnh góp phần cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng xã hội mỗi ngày mỗi thêm an lành, hạnh phúc.
Tôi cũng hy vọng, tới đây, công tác bảo vệ môi trường, ký kết với các tôn giáo phải là công tác thường xuyên, dài hạn, có hành động cụ thể, có kiểm tra việc thực hiện, hướng dẫn việc thực hiện đơn giản, dễ làm nhất, đồng thời việc làm hay, mô hình tốt của mỗi tôn giáo nên phổ biến chung.
Ông Nguyễn Tấn Đạt.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo: Phát huy nguồn lực các tôn giáo
Trong thời gian qua, các tầng lớp nhân dân trong đó có bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) luôn hưởng ứng mạnh mẽ các chủ trương và các chương trình hành động của Mặt trận và cảm thấy tự hào về những đóng góp của mình với hoạt động Mặt trận ở các địa phương.
Một trong các hoạt động nổi bật của bà con PGHH là công tác từ thiện xã hội. Trên nền tảng tư tưởng giáo lý của PGHH, từ thiện xã hội được coi là 1 trong 4 chương trình đạo sự trọng tâm của giáo hội PGHH. Những hoạt động mang tính từ thiện, nhân đạo, đạo sự này còn mang ý nghĩa báo đáp tứ đại trọng ơn. Các hoạt động từ thiện xã hội nổi bật của PGHH như: Cấp gạo cho người nghèo neo đơn, cất nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, xây dựng cầu đường, nông thôn, khuyến học, tham gia xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Nếu như nhiệm kỳ I (1999-2004) toàn đạo thực hiện công tác từ thiện xã hội được 22 tỷ đồng, thì đến nhiệm kỳ IV (2014-2019) công tác này đã đạt được trên 2.000 tỷ đồng tăng gấp 100 lần với nhiệm kỳ đầu.
Trong nhiệm kỳ mới của MTTQ Việt Nam, bà con tín đồ PGHH tin tưởng vào một bước phát triển mới của Mặt trận. Mong rằng, Mặt trận các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có nhiều quan tâm và hỗ trợ các tổ chức tôn giáo hoạt động, trong đó có PGHH. Từ các lần tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của bà con đồng đạo và hoạt động của Ban trị sự các tỉnh, bà con tín đồ PGHH mong Mặt trận tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước và hoạt động tôn giáo; triển khai các chủ trương, hướng dẫn phù hợp với các tổ chức, thành viên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong việc xây dựng đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.