Sau ngày thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn THPT 2021, trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến trái chiều về đoạn trích từ sách "Bí mật của nước" của tác giả người Nhật Bản Masaru Emoto trong phần Đọc hiểu của đề thi.
Một bài viết trên mạng xã hội Facebook được cho là của nhà phê bình Nguyễn Hòa đặt câu hỏi: Chuyện gì thế nhỉ?
“Đọc Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 môn Ngữ văn, mình ngạc nhiên khi thấy đoạn trích từ tác phẩm “Bí mật của nước” của Masaru Emoto”, ông viết.
Tại sao ngạc nhiên ư?
Theo tác giả, ông đã đọc “Thông điệp của nước” và “Bí mật của nước” của tác giả này (Masaru Emoto - NV). Đọc thấy ngồ ngộ nên ông tìm hiểu thì biết Masaru Emoto được coi là một nhà “giả khoa học” với ý tưởng cho rằng “nước có khả năng sao chép và ghi nhớ thông tin”, “Nếu có khả năng đọc được những thông tin chứa trong ký ức của nước, chúng ta có thể đọc được một câu chuyện có tính sử thi”, “các tinh thể nước có liên hệ chặt chẽ và không ngừng với tâm hồn con người. Khi suy nghĩ về việc tại sao các tinh thể nước đá lại giao tiếp được với nhiều người như vậy, tôi nhận ra rằng bởi chúng đang giữ chìa khóa để mở ra những điều bí ẩn của vũ trụ và chiếc chìa khóa này có thể mở ra tri thức cần thiết để hiểu đúng về trật tự của vũ trụ cũng như vai trò của nhân loại trong vũ trụ. Nước là tấm gương của tâm hồn. Nó có muôn vàn khuôn mặt, hình thành từ việc sắp xếp chính nó cùng ý thức nhân loại”.
Masaru Emoto công bố những bức ảnh đẹp hoặc xấu và cho rằng đó là ảnh ông chụp tinh thể nước đá, nước sau khi nghe giao hưởng Đồng quê của Beethoven, nước sau khi tiếp xúc với từ “Cảm ơn”, nước sau khi tiếp xúc với từ “Ngớ ngẩn”…
Nhưng đến khi được đề nghị thực nghiệm với giải thưởng 1 triệu USD thì ông không hợp tác.
Tác giả Nguyễn Hòa thấy “Bí mật của nước” (xuất bản sau) lặp lại nhiều nội dung trong “Thông điệp của nước” (xuất bản trước). Cả hai cuốn đều là sự pha trộn nháo nhào giữa một số nội dung tôn giáo (như Ki tô giáo, Phật giáo), tín ngưỡng của người Maya, Thần đạo Nhật Bản,… với một số kết quả nghiên cứu của Vật lý học, Hóa học, Y học,... mà ông như muốn gán cho chúng ý nghĩa phù hợp với ý tưởng của ông?
Một thí dụ theo tác giả Nguyễn Hòa là tào lao được Masaru Emoto kể lại là chuyện một buổi chiều, ông sử dụng thiết bị đo rung động do ông chế tạo để đo rung động của nước máy tại Tokyo và phát hiện giá trị rung động của thủy ngân, chì, nhôm và các chất gây hại cho cơ thể tăng mạnh một cách bất thường.
Lúc đầu ông nghi ngờ thiết bị, sau thấy không phải, vì đó là “điểm báo” về chiến tranh xảy ra ở Iraq - cuộc chiến tranh mà ông đọc báo thì biết: “trọng lượng bom thả xuống trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tương đương với lượng bom rải xuống trong suốt cuộc chiến tranh tại Việt Nam”!.
Theo tác giả Nguyễn Hòa, người có niềm tin tâm linh thích đọc hai cuốn này hơn người muốn tiếp xúc với một công trình nghiên cứu khoa học hữu ích.
Tác giả thắc mắc khi thấy sau khi dẫn đoạn trích từ tác phẩm “Bí mật của nước” của Masaru Emoto, Đề thi môn Ngữ văn có 2 câu hỏi:
“1. Theo đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông diễn ra thế nào?”,
“2. Trong đoạn trích, món quà cuối cùng của nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là gì?”.
Bởi theo ông Nguyễn Hòa, nếu đọc một cách hệ thống, liền mạch các trang viết liên quan đoạn Đề thi trích dẫn, sẽ thấy Masaru Emoto không có ý định mô tả sự ra đời của dòng sông, cũng chẳng quan tâm nhiều đến “món quà cuối cùng của nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả”.
“Chẳng nhẽ người ra đề bị mê hoặc bởi sự du dương, hình ảnh sinh động của đoạn trích nên đã không đọc đoạn kế tiếp để hiểu logic trình bày của tác giả, và đã gán cho đoạn trích những ý nghĩa nằm ngoài mục đích của Masaru Emoto?”, ông Nguyễn Hòa đặt câu hỏi.
Thêm nữa, việc khai thác một cuốn sách thiếu giá trị khoa học của một nhà "giả khoa học" làm đề thi tốt nghiệp PTTH liệu có phải là một lựa chọn đúng?”.
Trong một status mang tựa đề “Bí mật của đề ngữ văn”, nhà báo Đinh Đức Hoàng cũng quan tâm tới toàn bộ cuốn sách "Bí mật của nước" của tác giả người Nhật Bản Masaru Emoto chứ không chỉ riêng đoạn trích trong đề thi.
Theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, cuốn sách được gián tiếp quảng bá thông qua một sự kiện cấp quốc gia. Nếu được mô tả là "một cuốn sách được sử dụng làm đề thi quốc gia của Việt Nam", thì hẳn bất kỳ ai cũng cho rằng đó là một quyển sách quan trọng. Chúng ta hãy thử mở nó ra và xem nội dung quyển sách viết gì.
Cuốn sách này, tạm gọi là một công trình nghiên cứu của Masaru Emoto, tiếp tục nhấn mạnh một thông điệp xuyên suốt trong sự nghiệp của vị thương gia người Nhật này, là tâm trí con người có thể ảnh hưởng đến các tinh thể nước. Việc giao tiếp này, thông qua một khái niệm mà ông gọi là "hado", khiến tâm trí chúng ta có thể phản chiếu vào nước, hay qua đó là hầu hết các vật chất hữu cơ khác.
Ví dụ:
"Khi ngắm Mặt trời mỗi sáng, ông bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống là một món quà và ông bắt đầu nói rất nhiều từ “Cám ơn”. Không hề lơ là căn bệnh ung thư, ông nói lời cám ơn với các tế bào và kết quả là chúng bắt đầu hồi phục. Bệnh ung thư thuyên giảm cho tới khi các bác sĩ tuyên bố ông đã lành hẳn bệnh".
Hoặc: "Bạn nghĩ vì sao khi nước được tiếp xúc với các từ “Tình yêu” và “Lòng biết ơn”, những tinh thể long lanh như thế lại hình thành? Câu trả lời là những từ đó là một dạng cầu nguyện. Khi có điều gì đó đồng thuận với những quy tắc của tự nhiên và tương tác với nước, kết quả là những tinh thể xinh đẹp sẽ được hình thành. Sở dĩ có điều này là bởi bản thân tự nhiên là kết quả của sự cầu nguyện".
Giao tiếp được với nước, hay là được vũ trụ đáp lời nói chung thì chữa được ung thư là hiển nhiên.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng nhấn mạnh: Các tuyên bố như vậy, mang dáng dấp của văn học thậm chí đức tin tín ngưỡng nhưng lại khoác vỏ bọc khoa học. Nhưng với tôi, nó hiển nhiên không phải là khoa học.
Theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, đoạn trích trong đề thi, vốn mô tả về tự nhiên, là hoàn toàn trung dung. “Tôi cũng nhắc lại, với tất cả sự tôn trọng các nhà xuất bản, rằng việc tồn tại dòng sách này và việc mọi người quan tâm đến quan điểm này là không sai. Chúng ta ít hiểu biết về vũ trụ và mọi thảo luận đều là cơ hội đi xa hơn về tri thức”.
Nhưng, nhà báo Đinh Đức Hoàng cho rằng, nếu có thầy nào trong hội đồng tuyển sinh quốc gia hâm mộ quyển sách này thì cũng không sao. “Nhưng việc gián tiếp (nâng tầm) cho nó thông qua một sự kiện quốc gia, thì tôi không bằng lòng”.
Phải chăng việc lựa chọn đoạn văn đưa vào đề thi quốc gia có chút cảm tính và dựa hoàn toàn vào sở thích của một thầy/cô nào đó? Không rõ, Hội đồng duyệt đề thi có đọc toàn bộ cuốn sách (mà có đoạn trích trong đề thi) hay không?