Mới đây, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS), trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nguồn vốn là gỡ vướng thực hiện cho các dự án BĐS.
Theo số liệu khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, 65% khó khăn của doanh nghiệp BĐS đến từ vướng mắc chính sách, pháp lý; 20% khó khăn đến từ nguồn vốn và 15% từ các yếu tố thị trường, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, hiện nay có khoảng 400 dự án BĐS “treo”, chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi tại TPHCM có hơn 300 dự án cũng đang trong tình trạng “nằm chờ”.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu cung, thiếu vốn cho thị trường BĐS là khoảng trống pháp luật và các xung đột pháp luật. Khoảng trống pháp luật là ở chỗ đối với các dự án lớn, trong đó có nhiều khu đất được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, được điều chỉnh bằng nhiều văn bản khác nhau. Vì thế chính quyền địa phương đành bất lực hoặc rất lúng túng khi pháp luật đất đai không quy định rõ giải quyết theo phương pháp nào.
Còn về xung đột pháp lý, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài mua nhà ở có thời hạn tại Việt Nam, nhưng Luật Đất đai năm 2013 lại không có tổ chức các nhân người nước ngoài có quyền sử dụng đất đai ở Việt Nam…
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, chưa có sự nhất quán giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS về việc cho phép người nước ngoài mua hoặc sở hữu quyền sử dụng đất, BĐS. Quy định pháp luật nhiều khi chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Khi pháp lý khó khăn, dòng vốn cũng sẽ ách tắc. Như tình trạng hiện nay, doanh nghiệp bị tắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế để dẫn đường cho sự hồi sinh của thị trường BĐS.
Nhận thấy vấn đề cấp bách, hàng loạt chính sách vĩ mô tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực BĐS vừa được ban hành, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS sớm phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, chính sách được ban hành không có nghĩa là thị trường BĐS sẽ tươi sáng ngay lập tức, bởi các chính sách thường có “độ trễ” từ 6 tháng đến 1 năm.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ, ông rất kỳ vọng sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn nữa, như yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường BĐS và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề về thủ tục cho dự án…
Cũng theo ông Nghĩa, việc giải quyết vấn đề dòng vốn cho thị trường BĐS phải tập trung ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là ưu tiên quan trọng nhất, tạo ra một tái cấu trúc phân khúc quyết định nhất.
Nhìn thực tế thị trường hiện tại, theo TS Lê Xuân Nghĩa, phân khúc cần nguồn cung rất lớn lại không có là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội do thiếu cơ chế, đất đai, dòng vốn. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung nguồn lực để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội bao gồm 3 nguồn lực cơ bản: Thủ tục pháp lý, cơ chế; quỹ đất; nguồn vốn. "Tôi tin rằng, khi tập trung nguồn lực vào phân khúc này sẽ tạo ra một mặt bằng giá BĐS mới và giúp thị trường BĐS khôi phục, phát triển trở lại", ông Nghĩa khẳng định.
GS Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS.
Từ góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Văn Mãi - Giám đốc Công ty Invest Group cho rằng, vấn đề của thị trường BĐS hiện tại bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn do ngân hàng siết chặt vốn vay, thị trường BĐS sụt giảm vì thiếu hụt nguồn cung do tình trạng pháp lý khiến các dự án bị ngưng trệ. “Bức tranh thị trường BĐS thời gian tới phụ thuộc vào việc tháo gỡ những vướng mắc trên, nhất là vấn đề pháp lý. Về pháp lý, chúng ta đã nói nhiều, các cơ quan chức năng cũng đã lắng nghe, nhưng theo tôi, cần nghiên cứu điều chỉnh càng sớm càng tốt. Có pháp lý chuẩn chỉnh thì dự án mới có thể vay vốn được”, ông Mãi nói.