Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi đến Ngân hàng nhà nước (NHNN) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo kiến nghị của HoREA, sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận thấy, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Theo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, trong gần hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Viễn cảnh “u ám” trong những ngày tới?
Trước đó, Ngân hàng nhà nước cũng nêu rõ quan điểm sẽ tiếp tục thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2021.
Theo các chuyên gia, trên thực tế, nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Các hiện tượng trên cùng với tình trạng sốt đất trong thời gian ngắn khoảng hai, ba năm nhưng tốc độ tăng giá đất có gia tốc cũng có thể dẫn tới tích tụ bong bóng bất động sản ở mức cao.
Với việc ngân hàng siết chặt tín dụng thì nhiều DN sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiêu thụ và vận hành lĩnh vực hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản "thiếu oxy" vì dịch Covid-19
Tính đến 30/6/2021 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỷ đồng (tính đến 31/3/2021 là 661.112 tỷ đồng).
Trong số đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt 166.561 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24.8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 54.946 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 27.464 tỷ đồng; Loại hình khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,9%.
Dự án nhà hàng, khách sạn có mức dư nợ đạt 53.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán đạt 99.547 tỷ đồng, chiếm 14,8%; Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 53.164 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,9% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Còn lại là đầu tư kinh doanh bất động sản khác có mức dư nợ đạt 190.756 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối tháng 4 năm 2021, đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Trên thực tế hiện nay, chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động. Còn lại, khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải “đóng cửa”...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 24.700, tăng 25,7%. Cùng với đó là 9.900 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng đến 33,8%.
Tính trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chủ trương các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ và lãi suất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phân loại ra các nhóm doanh nghiệp, thứ nhất là những doanh nghiệp còn khả năng tiếp tục hoạt động. Nhóm thứ 2 là những doanh nghiệp sẽ phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Trong đó, cần ưu tiên việc cơ cấu lại nợ, hoãn thời gian trả nợ. Hai là không tính nợ quá hạn vào việc tiếp tục cho vay tín dụng. Ba là giảm giá vốn hay nói cách khác là giảm lãi suất. Ba việc đó giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính với mức khá hơn để đối phó với biến động của dịch bệnh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét các biện pháp để có thể “bơm” một lượng vốn rẻ nhất định cho các tổ chức tín dụng để thông qua đó có thể giảm lãi suất cho vay xuống tạo điều kiện “cấp cứu” cho doanh nghiệp.