Thông tin từ Nghệ An cho biết, hiện nay gần 14 ha đu đủ của HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) đã vào vụ thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả không được thu mua theo hợp đồng cam kết khiến người dân đứng trước nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng.
Theo phản ánh, nguyên nhân là do Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods không thực hiện đúng hợp đồng cam kết trong việc bao tiêu sản phẩm. Cụ thể vào tháng 11/2022 người dân HTX nơi đây ký hợp đồng dự án Liên kết về cung cấp giống đu đủ và bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods (Cty Nafoods). Tháng 7/2023 khi toàn bộ diện tích đu đủ vào vụ thu hoạch lứa đầu, đại diện HTX nông nghiệp xã Tây Hiếu (HTX Tây Hiếu) đã liên lạc rất nhiều lần với phía công ty để về thu mua nhưng phía công ty chần chừ, không có động thái thu mua.
Đến ngày 19/7, HTX Tây Hiếu bất ngờ nhận được thông báo từ phía Cty Nafoods chấm dứt hợp đồng bao tiêu sản phẩm đu đủ. Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía công ty, HTX Tây Hiếu đã làm việc trực tiếp với công ty và được đại diện công ty cho biết, sẽ đưa ra phương án giải quyết và trả lời ngày 3/8. Tuy nhiên, cho đến ngày 16/8 công ty vẫn chưa có bất kỳ giải pháp nào được đưa ra. Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc HTX Tây Hiếu cho biết: Họ không thu mua với lý do đưa ra là ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine.
Thời điểm hiện nay 13,6ha cây đu đủ của HTX Tây Hiếu đã vào vụ thu hoạch, sản lượng gần 2.000 tấn quả, phần lớn đã chín nẫu, thối và rụng vàng cả gốc nhưng không được Cty Nafoods thu mua. Điều này khiến người dân đứng ngồi không yên, nguy cơ mất trắng trên 7 tỷ đồng.
Trên thực tế, đẩy mạnh liên kết là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX đẩy mạnh sản xuất, mở rộng đầu ra. Song vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi nông sản không đều nhau nên người nông dân luôn ở thế yếu. Mà trong trường hợp ở HTX Tây Hiếu, người nông dân hoàn toàn ở thế thua thiệt. Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động kiểu ăn xổi ở thì, chỉ mục đích bán được giống và thu lợi. Có doanh nghiệp đến mùa thu hoạch, thấy giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì bỏ, không thu mua sản phẩm của người nông dân, đẩy nông dân vào cảnh khó khăn.
Vậy, giải pháp nào để hạn chế? Luật sư Tô Hà Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cả người nông dân cũng như DN cần phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để hợp tác giữa doanh nghiệp - nông dân thật sự nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp.
Riêng về phía người nông dân, khi ký kết với DN cần thương thảo hợp đồng kỹ để lợi ích được đảm bảo. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, người nông dân, mà đại diện là HTX, cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin kinh tế, bởi mỗi biến động đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nói rằng, người nông dân cần phải chuyên nghiệp hơn, không còn con đường nào khác ngoài tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa.