Ngày 26/4, Đoàn giám sát số 1 của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Cục Thuế và Cục Hải quan TP HCM về công tác triển khai Nghị quyết 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi giám sát, doanh nghiệp (DN) và hải quan thành phố bày tỏ bức xúc về quy định kiểm tra chuyên ngành gây mất thời gian, tăng chi phí của DN.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam trao đổi, chia sẻ với đại diện DN về thủ tục hải quan. Ảnh: S. Xanh.
Chi phí kiểm tra chuyên ngành tăng cao
Ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, ngành hải quan kiểm tra mẫu theo xác xuất nhưng các cơ quan khác thì lấy mẫu 100%.
Chính vì lẽ đó mà số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành để ở cảng nhiều hơn so với trước đây, điều này gây khó khăn cho DN. Làm sao đó giảm lượng hàng hóa ở cảng, cho hàng về kho riêng của DN để thực hiện theo xu hướng tự chịu trách nhiệm.
Đại diện Công ty Đại Tân Việt chuyên nhập khẩu nguyên liệu sữa bột, bơ, nước sốt, thịt bò cũng nói khó về kiểm tra chuyên ngành.
Theo đại diện Công ty Đại Tân Việt, nếu như năm 2016 công ty chỉ cần trả 300 triệu đồng cho công tác kiểm tra chuyên ngành thì hiện nay con số này lên đến 700 triệu đồng.
Cần thiết kiểm theo xác xuất chứ không kiểm tra đại trà, hoặc nên phân cho một cơ quan kiểm tra giảm thiểu chi phí cho DN để gia tăng tính cạnh tranh.
Đồng cảnh ngộ, ông Nguyễn Quang Bính, đại diện Công ty Vinamilk than phiền thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang gây khó cho DN.
Theo vị này, nguyên liệu nhập khẩu ở các nước tiên tiến Úc, New Zealand,… có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên chăng Việt Nam cũng công nhận kết quả của các nước. Trường hợp có kiểm tra thì kiểm tra rủi ro chứ không phải lô nào cũng kiểm tra.
Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Cục Hải quan TP HCM khẳng định, Cục Hải quan chủ động cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN trung bình 50% thời gian so với trước đây.
Tuy nhiên, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM khẳng định: “Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu còn cao, tỷ lệ này chiếm khoảng 57%. Điều này đi ngược với Nghị định 19 của Thủ tướng Chính phủ, vô tình phát sinh chi phí cho DN, ảnh hưởng đến quá trình cải cách thủ tục hải quan”.
Mong muốn tháo gỡ vướng mắc cho công tác kiểm tra chuyên ngành, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, Tổng cục Hải quan đang làm hết sức tháo gỡ vướng mắc liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn đang chờ các bộ - ngành hướng dẫn.
Điều cần thiết nhất hiện nay trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là phải xóa bỏ những thủ tục rờm rà, không hiệu quả trong hoạt động quản lý. Ngoài ra, trong khi chờ sửa luật cần phải xây dựng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.
Thái độ phục vụ của cán bộ Thuế chưa tốt
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho hay, Cục Thuế thành phố luôn nỗ lực đơn giản hóa thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình làm việc.
Tính đến cuối năm 2016 số lượng DN đăng ký tài khoản thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99,37%. Số lượng DN thực hiện kê khai thuế qua mạng internet, đạt 99,97% trên tổng số DN đang hoạt động.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định, Cục Thuế thành phố đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin,… giúp người nộp thuế dễ dàng tiếp cận chính sách thuế; tiết kiệm được thời gian, chi phí; hạn chế tiếp xúc trực tiếp, gây phiền hà, nhũng nhiễu người nộp thuế.
Bên cạnh những kết quả đạt được Cục trưởng Cục Thuế thành phố cũng thừa nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính ở một vài đơn vị chưa mạnh, đội ngũ công chức tại các đơn vị này chưa thấy được ý nghĩa của cải cách hành chính. Vẫn còn một vài công chức thuế chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người nộp thuế có lúc, có nơi chưa tốt.
Cải cách hành chính có trọng tâm, trọng điểm
Với vai trò là trưởng đoàn giám sát số 1 của UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, đợt giám sát lần này nhằm đánh giá mặt được và chưa được của ngành hải quan để thời gian tới đảm bảo thực hiện Nghị quyết 19 của Thủ tướng Chính phủ tốt hơn nữa.
Lắng nghe báo cáo hoạt động của Cục Hải quan, Cục Thuế TP HCM, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả mà ngành thuế và hải quan đạt được trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng khẳng định, công tác cải cách thủ tục hành chính làm hết sức quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu ở một số đơn vị.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, Cục Hải quan thành phố thường xuyên rà soát hoàn thiện quy trình nghiệp vụ hải quan theo hướng đơn giản, minh bạch, đảm bảo công tác quản lý hải quan chặt chẽ, song thủ tục hành chính hải quan còn thiếu sự đồng bộ giữa quy trình thủ tục cũ và mới.
Chưa hết, vấn đề hoàn thuế nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng; áp mã hàng hóa hay một số nội dung công việc vẫn thực hiện theo hình thức thủ công đang là vấn đề bất cập.
Điều đáng chú ý, còn tồn tại tình trạng DN phải chi trả các khoản chi phí không chính thức, hay còn gọi là chi phí “bôi trơn” trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hải quan.
Về lĩnh vực thuế, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, ngành thuế thành phố cố gắng nâng cao trách nhiệm tác phong của cán bộ thuế hơn nữa, xây dựng quy trình thuế công khai minh bạch, đối thoại, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thuận lợi cho người dân, DN.
Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực thi công vụ của người dân, DN đối với cơ quan thuế. Ngành thuế và người dân cần tương tác với nhau để gia tăng nguồn thu, bồi dưỡng và phát triển nguồn thu.
“Sắp tới, ngành thuế và ngành hải quan nên cải cách thủ tục hành chính có trọng tâm, trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính phải gắn với thể chế hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.