Khi dịch Covid-19 vẫn đang là nỗi lo sợ của toàn cầu, đặc biệt đối với lĩnh vực giao thương, xuất nhập khẩu, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khai thác sâu thị trường nội địa là giải pháp tốt nhất để các DN Việt trụ vững trong thời điểm này.
Hướng ngoại gặp khó
Dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Nhiều DN cho biết, tính đến thời điểm này, không còn đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu trong hai quý cuối năm 2020.
Điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh hàng quý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục thống kê công bố cho thấy, có có 11,9% DN dự báo đơn hàng trong quý III tiếp tục giảm và 15,2% DN dự báo tồn kho sản phẩm trong quý III tăng so với quý II. Về quy mô lao động, có 10,1% DN dự báo giảm quy mô lao động trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm.
Theo các DN, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chính là do thị trường quốc tế vẫn đóng cửa để phòng chống dịch bệnh nên các DN thiếu nguyên, nhiên, vật liệu để sản xuất. Những khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang là rào cản lớn kìm chân DN.
Trao đổi với PV, chủ một DN hoạt động trong ngành xây dựng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho hầu hết các lĩnh vực kinh tế như xây dựng, bất động sản, du lịch, dịch vụ… gần như “đóng băng”. Và cú bồi tiếp theo của đại dịch này khi cộng đồng DN chưa kịp hồi phục sẽ nhấn chìm hàng ngàn DN trong thời gian không xa.
Số liệu thống kê cho biết, trong 6 tháng, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn DN, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể… Và trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giới chuyên gia kinh tế dự báo, con số DN tạm ngưng hoạt động có thể sẽ còn tăng nữa trong những quý tới.
“Hướng nội” vượt bão dịch
Trong tình hình khó khăn chung đó, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường nội địa nếu khai thác tốt, sẽ là hướng mở cho cộng đồng DN Việt. Theo đó, với quy mô dân số 97 triệu người, trị trường trong nước chính là mảnh đất giàu tiềm năng để các DN khai thác vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Và ở đây, các kênh bán lẻ, phân phối chính là nhịp cầu kết nối giữa DN sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện để hàng hóa của DN và người tiêu dùng gặp nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sự kết nối này giữa các DN vẫn chưa chặt chẽ, mối liên kết còn khá lỏng lẻo. Theo bà Nga, mặc dù ngành Công thương đã tổ chức kết nối DN sản xuất nông sản với DN bán lẻ, nhưng lượng nông sản tiêu thụ qua chương trình kết nối chỉ chiếm từ 15 - 20% sản lượng. Điều đó cho thấy, mối liên kết giữa sản xuất với bán lẻ khá lỏng lẻo.
Nhận định về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cũng cho rằng, các DN Việt cần khai thác tối đa thị trường nội địa, tạo chỗ đứng vững chắc, xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, từ đó sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc, không cảm thấy e ngại trước các đối thủ quốc tế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu quan điểm, đối với DN, thị trường chính là vấn đề sống còn. Mặc dù Việt Nam đang gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song đó mới chỉ là cơ hội ở phía trước, cái thực tế mà các DN Việt cần nắm bắt hiện nay chính là thị trường trong nước. Bởi vậy, theo Chủ tịch VCCI, đây là thời điểm chúng ta cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ở thời điểm này, “hướng nội” mới là bước đi chính xác nhất của mỗi DN.