Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5 giảm 11,1% so với 15 ngày cuối tháng 4. Tính từ đầu năm đến ngày 15/5 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước đạt 89,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng với ngành dệt nay, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 4 tháng giảm 20% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, giá trị xuất khẩu dệt may giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đại diện Hiệp hội Dệt may lo ngại, con số giảm mạnh sẽ nằm trong tháng 5 và tháng 6 vì lượng đơn hàng bị hoãn, hủy trong thời gian này rất nhiều.
Các ngành thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm… cũng đang đau đầu với tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Ông Trần Quốc Mạnh- Chủ tịch Hội Thủ công Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, doanh nghiệp ngành gỗ gần như không có đơn hàng từ châu Âu, Mỹ.
Đánh giá cao giá trị xuất khẩu thu được từ thị trường nước ngoài và muốn thúc đẩy phát triển thị trường này; tuy nhiên nhiều DN cho rằng cùng với xuất khẩu thì cần tập trung mở rộng và phát triển thị trường nội địa.
Theo GS.TS Hồ đức Hùng (Trường Đại học Kinh tế), từ trước đến nay chúng ta chỉ hướng đến thị trường cao cấp mà quên đi thị trường thu nhập trung bình. Với thị trường trong nước hơn 90 triệu dân sẽ là thị trường tốt cho DN, vì thế DN nên chủ động khai thác thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo nhiều DN sản xuất, phát triển thị trường tiêu dùng trong nước không khó nhưng cần những hỗ trợ đi kèm. Ví dụ, đơn vị bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, sớm hơn thời gian quy định trước đây giúp DN có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, nhằm huy động được nguồn vốn tập trung sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.
Một giải pháp đáng quan tâm nhằm phát triển thị trường nội địa đó là, thời điểm này rất cần phát động đợt cao điểm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, trong giai đoạn xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục thì thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung. Chính phủ cũng như các địa phương nên có gói hỗ trợ tốt giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn tiềm năng thị trường trong nước. Đây chính là một trong những giải pháp kích thích tiêu dùng, khôi phục và ổn định kinh tế.