Trong thương mại quốc tế, nhà xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ và có đầy đủ thông tin về đối tác. Nếu không chắc chắn về đối tác, thì cần biết cách lựa chọn những phương thức thanh toán có tính tin cậy cao. Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco trao đổi với Đại Đoàn Kết về nghi án lừa đảo trong ngành điều.
PV: Hiện, phi vụ lừa đảo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đã nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát Italy để chặn lại, nhưng theo luật pháp quốc tế, bên cầm chứng từ gốc sẽ được nhận hàng. Để đòi lại hàng, doanh nghiệp của chúng ta cần làm gì thưa ông?
Luật sư Hà Huy Phong: Từ nguồn thông tin của báo chí, tôi cho là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều đã có sự thoả thuận với bên mua về việc áp dụng phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection). Khi thỏa thuận áp dụng phương thức thanh toán này, các bên cần tuân thủ Quy tắc thống nhất về nhờ thu (Uniform Rules for Collection – URC) do phòng thương mại quốc tế ICC soạn thảo và phát hành.
Về mặt nghiệp vụ, ngân hàng xuất trình sẽ chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu khi nhà nhập khẩu chấp nhận trả tiền bằng cách ký chấp nhận trực tiếp vào hối phiếu hoặc chấp nhận bằng văn bản riêng. Như vậy, một khi nhà nhập khẩu nắm giữ được bộ chứng từ gốc thì được hiểu là người đó đã ký chấp nhận trả tiền với người xuất trình.
Người vận chuyển có nghĩa vụ giao hàng cho bất kỳ người nào nắm giữ bộ chứng từ gốc mà không được viện dẫn tới thủ tục thanh toán hoặc chấp thuận từ bên thứ ba nào khác.
Để có một câu trả lời chính xác, cần căn cứ vào luật pháp của Italy. Do đó, các bên liên quan cần có sự tham vấn của một hãng luật hoặc chuyên gia pháp lý nước sở tại. Theo kinh nghiệm của tôi, các DN xuất khẩu cần tìm một “cái cớ” nào đó hợp lý mà các bên đã quy định trong hợp đồng để đưa sự việc ra giải quyết trước pháp luật.
Đồng thời với việc nộp một đơn khởi kiện, các nhà xuất khẩu có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để yêu cầu cơ quan chức trách tạm giữ các lô hàng, hoặc ban hành lệnh cần thiết để ngăn chặn việc chuyển giao lô hàng cho người xuất trình bộ chứng từ gốc. Sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các bên có thêm thời gian để điều tra và làm rõ chân tướng sự việc và xử lý theo quy định của pháp luật nước sở tại.
Nói tóm lại, để đòi lại hàng, cần dựa trên một phán quyết của tòa án, trọng tài hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền dựa trên quy định của pháp luật sở tại và cơ quan tài phán có thẩm quyền. Mọi sự nhận định và kết luận ở thời điểm này đều chưa phù hợp.
Các thương nhân Việt Nam còn đối mặt nhiều rủi ro tranh chấp thương mại khác từ đối tác nước ngoài. Theo ông, DN phải làm gì để tránh các vụ việc tương tự?
- Tranh chấp trong thương mại quốc tế có rất nhiều và hành vi lừa đảo xuyên biên giới cũng xuất hiện khá phổ biến. Giải pháp phòng ngừa tranh chấp là hoàn thiện hiểu biết và nâng cao kỹ năng đàm phán, kỹ năng thực hiện hợp đồng thì giải pháp phòng ngừa bị lừa đảo nằm ở việc tìm hiểu và lựa chọn đối tác, cũng như là lựa chọn các phương thức thanh toán, giao hàng có độ tin cậy và chắc chắn.
Không có kịch bản cụ thể và hiệu quả cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong thương mại quốc tế là nhà xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ và có đầy đủ thông tin về đối tác.
Đã có những kinh nghiệm thực tiễn xảy ra trong quá khứ nhưng nhiều DN vẫn đi vào “vết xe đổ”. Nếu chịu khó tìm hiểu thì DN xuất khẩu có thể né tránh hoặc kịp thời xây dựng giải pháp phòng ngừa. Các hành vi lừa đảo và gian lận phổ biến như: nhận hàng nhưng không thanh toán phần tiền còn lại (sau khi đã thanh toán trước một phần nhỏ để tạo niềm tin); làm giả chứng từ, hồ sơ để nhận hàng; lừa đảo nhận tiền nhưng không chuyển hàng; ngụy tạo thông tin giả về bên mua/ bên bán và hợp đồng mua bán để chiếm đoạt tiền môi giới .
Không thể loại trừ 100% rủi ro trong thương mại quốc tế. Do đó, DN xuất khẩu nên xử lý tình huống theo hình thức “thuốc kê đơn” hơn là đi tìm một giải pháp chung cho mọi trường hợp.
Thời gian qua, nhiều DN Việt bị lừa đảo khi hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài do không nắm vững luật quốc tế. Ông có lưu ý gì với DN xung quanh việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài?
- Tranh chấp hợp đồng không đáng sợ bằng lừa đảo, bởi tranh chấp hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng giải pháp chủ động, mà cụ thể là nâng cao kỹ năng đàm phán và soạn thảo hợp đồng hoặc sử dụng các luật sư có am hiểu về thương mại quốc tế để hỗ trợ trong quá trình đàm phán, soạn thảo và thực hiện hợp đồng.
Kinh nghiệm qua nhiều năm tư vấn cho các đối tác của của tôi có thể tóm lại 3 điểm chính sau: Thứ nhất, DN không nên làm theo thói quen tùy tiện. Mặc dù trong thương mại quốc tế, các thông lệ và tập quán thương mại là rất quan trọng, đôi khi còn có sức nặng hơn cả quy định pháp luật địa phương, nhưng việc nghiên cứu và đánh giá, phân tích các khả năng có thể xảy ra, chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa là hết sức quan trọng.
Thứ hai, cần tìm hiểu kỹ về thị trường, về đối tác. DN chỉ nên xác lập quan hệ thương mại quốc tế với các đối tác đã có thông tin được kiểm chứng hoặc đã có thứ hạng uy tín nhất định trên thị trường. Thứ ba, cần có sự chuẩn bị, chủ động về mọi phương án, trong đó có tính tới các khả năng bị lừa đảo, gian lận và rủi ro khác để xây dựng kịch bản đối phó.
Trong vụ việc này, ngân hàng và đơn vị vận chuyển có trách nhiệm gì không, thưa ông?
- Với tư cách là ngân hàng nhận ủy thác, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Các bên liên quan vẫn đang trong quá trình xác minh, làm rõ vụ việc để quy trách nhiệm và gỡ rối cho nhà xuất khẩu. Khi có kết quả điều tra cuối cùng, việc lên tiếng sẽ phù hợp hơn lúc này.
Trân trọng cảm ơn ông!