C.P Group là doanh nghiệp đầu tiên trong số các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có động thái giảm giá thịt lợn sau cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá diễn ra hôm 31/1/2020.
Theo đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P Group đã ký công văn thông báo doanh nghiệp này giảm giá bán thịt lợn thương phẩm 1.500 đồng/kg, còn 80.500 đồng/kg, áp dụng cho tất cả các khách hàng từ ngày 1/2/2020.
Việc giảm giá này được lãnh đạo của C.P thông báo sau cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, diễn ra vào chiều 31/1 tại Trụ sở Chính phủ.
Trong cuộc họp này, các bộ, ngành và địa phương cho biết nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên Đán Canh Tí được bảo đảm nhưng giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, 85.000 đồng/kg.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết mức giá này vẫn cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và là nguyên nhân quan trọng khiến mức nền chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2020 cao nhất trong 7 năm qua.
Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn (Bộ Tài chính) cho biết ngoài yếu tố thực phẩm tăng giá, cộng với nhiều yếu tố khó lường về thiên tai, căng thẳng địa chính trị, dịch bệnh ở cả gia súc và người sẽ tác động mạnh tới mặt bằng giá của năm 2020. “Nếu không quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ điều hành giá đặt ra tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 4/1/2020 của Văn phòng Chính phủ thì khó có thể bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay”, ông Tuấn nêu rõ.
Cho rằng CPI trong tháng đầu tiên của năm mới có điều “bất thường” như trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do giá thịt lợn vẫn neo ở giá cao trong khi nguồn cung không thiếu hụt.
Trên tinh thần “hài hoà lợi ích giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và xã hội”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt ra vấn đề độc quyền cung ứng thịt heo, việc triển khai yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong nhập khẩu thịt heo thương phẩm, thực hiện tái đàn để củng cố nguồn cung, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được các cơ quan, đơn vị triển khai trong thực tế ra sao?
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai doanh nghiệp tham dự cuộc họp là Dabaco và C.P báo cáo về tỷ lệ thị phần nắm giữ, giá thành, giá bán, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, thậm chí là báo cáo về nộp ngân sách nhà nước năm 2019 để đánh giá việc giữ giá thịt heo như hiện nay.
Theo đó, ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng Giám đốc Dabaco cho biết những ngày trước và sau Tết Nguyên Đán, trung bình mỗi ngày công ty xuất bán 500 con lợn, giá thành sản xuất là 47.000- 48.000 đồng/kg, nếu sử dụng vacxin phòng dịch thì lên tới 50.000 đồng/kg và giá bán là 75.000- 76.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn giá thị trường.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P tính toán doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 8% thị phần cung ứng thịt heo của cả nước nên không thể có khả năng điều tiết giá thịt heo. Đợt dịch bệnh tả châu Phi vừa qua, C.P không xảy ra thiệt hại, ngoại trừ việc doanh nghiệp này không thể thay đàn nái. Hiện nay, mỗi ngày C.P xuất bán 1.500 con. Giá thành sản xuất của C.P là 35.000- 36.000 đồng/kg còn giá bán là 82.000 đồng/kg.
“Khi giá thị trường cao chúng tôi vẫn bán thấp hơn giá thị trường và tới nay, giá thị trường vẫn còn cao nên chúng tôi không giảm giá thêm được”, ông Vũ Anh Tuấn bộc bạch.
Tuy nhiên, cuối buổi họp, ông Tuấn cho biết C.P sẽ thực hiện điều chỉnh giảm giá từ đầu tháng 2 và mức giảm như đã nói ở trên là 1.500 đồng/kg.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ biểu dương động thái này của C.P trên tinh thần bảo đảm hài hoà lợi ích của doanh nghiệp với người tiêu dùng và xã hội.
Tuy nhiên, qua báo cáo từ các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Các hộ nuôi thiệt hại chính từ dịch tả châu Phi còn các tập đoàn không thiệt hại nhiều mà để giá cao thế thì là như thế nào?”
Vẫn theo Phó Thủ tướng: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có yêu cầu về kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm 2020. Các doanh nghiệp thực phẩm lớn, kể cả có cổ phần của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải chia sẻ trách nhiệm này, giúp cả nước kiểm soát được lạm phát. Nếu vĩ mô bất ổn, kéo theo tỷ giá, lãi suất thay đổi, liệu lúc đó các doanh nghiệp có thể làm ăn yên ổn được không?”.
Trong thông báo kết luận cuộc họp này vừa được phát hành sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện đông bộ các giải pháp (Thông báo 03/TB-VPCP) để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuông mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
Bộ NN-PTNT chủ trì báo cáo đầy đủ về kết quả công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, tình hình đảm bảo nguồn cung cho quý I, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lợn, tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn Châu phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi... Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn mặt hàng thịt lợn thành phẩm trong quý I năm 2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau tết.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I/2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thì thực hiện xư lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả thưc hiện trong Quý I/2020