Trong khó khăn nhưng xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2021 vẫn có bước chuyển ngoạn mục từ nhập siêu thành xuất siêu 225 triệu USD. Củng cố các gam màu sáng đang có, tìm thêm động lực phát triển là việc cấp bách để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Giảm dần tình trạng thâm hụt thương mại sau nửa năm
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, riêng tháng 11 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD. Con số này đã chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại trong gần nửa năm qua do những ảnh hưởng tiêu cực từ các đợt dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cán cân thương mại dương trở lại sau 11 tháng là nhờ kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục tăng, gần 4% ở mức xấp xỉ 30 tỷ USD và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 11 tháng xuất khẩu ước đạt gần 299,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2020.
Xuất khẩu có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại FTA và nhu cầu các thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. Nhiều ngành nghề đã vượt khó trong bão Covid -19 đầy ngoạn mục. Đơn cử như với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, cả năm 2021 xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đáng chú ý, đến nay nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4, tháng 5 năm 2022.
Hay như trong ngành nông lâm thuỷ sản 11 tháng năm 2021 trị giá xuất khẩu đạt 43,48 tỷ USD; trong đó, riêng tháng 11/2021, xuất khẩu đã đạt hơn 4,1 tỷ USD. Nếu duy trì đà xuất khẩu như tháng 11/2021, tháng 12/2021 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD thì cả năm nay xuất khẩu sẽ đạt khoảng trên 47 tỷ USD. Đây sẽ là kết quả rất ấn tượng.
Doanh nghiệp thích nghi với hoàn cảnh mới
Năm 2021, kinh tế thế giới biến động và kinh tế trong nước cũng tương tự. Song trong thách thức của dịch Covid-19, khu vực DN, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức kinh tế khác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn. Cộng đồng DN năng động, linh hoạt, chủ động chuyển đổi số để thích ứng với hoàn cảnh mới. Đáng chú ý 11 tháng, cả nước đã có 105,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới bằng 83,3% số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng của năm 2019, năm mà kinh tế nước ta có sự phát triển vượt bậc, có số DN thành lập mới cao nhất của giai đoạn 2011-2020.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng cộng đồng DN có sức chống chọi dẻo dai. Dịch bệnh diễn biến khó lường, tác động tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô và nguy cơ tăng lạm phát; tình trạng cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, chắc chắn phần thắng sẽ chỉ thuộc về những người nhanh chân; về những DN nỗ lực, không ngừng đổi mới và chấp nhận thay đổi.
Đánh giá về hoạt động của DN Việt Nam dưới tác động của đại dịch, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho hay, các DN đã vượt khó bằng nhiều phương thức. Từ cắt giảm chi phí bằng cách “ngủ đông” đến giữ lại phần cốt lõi nhất; từ chuyển đổi mô hình kinh doanh đến chuyển đổi sản phẩm, để bắt kịp nhu cầu thị trường, gắn với xu thế tiêu dùng…
Tuy nhiên, trong bước đi tiếp theo, đặc biệt là củng cố tăng trưởng, ông Thành cho rằng bên cạnh việc thiết lập chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, thời gian đủ dài đến năm 2022-2023, các DN cần sự đồng hành, vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt cải thiện nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình này. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần có những đánh giá tác động, báo cáo thường xuyên; đảm bảo ổn định và cân đối vĩ mô về tổng thể, nhất là trong trung hạn giúp DN đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
TS Thành cũng nhấn mạnh, đối với các DN, phải tận dụng lợi thế, cơ hội và xu thế cùng sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng 4.0, với các giải pháp về chuyển đổi số để cho ra các sản phẩm mới, “thông minh hóa” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các DN cùng ngành, DN đối tác; xây dựng thương hiệu gắn với trách nhiệm “xanh”…
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, sự phục hồi đối với các DN và nền kinh tế không phải là việc trở lại trạng thái ở thời kỳ trước khi diễn ra đại dịch, mà các DN, nền kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng xanh, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh của dịch bệnh. Do đó, bên cạnh chương trình phục hồi kinh tế Chính phủ nên có cơ chế và thủ tục đặc thù trong 2 năm để tái khởi động, phục hồi DN.