Hiện nay, các vụ kiện của nước ngoài là những thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Một trong những nguyên nhân gây ra tranh chấp là do DN của Việt Nam thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Theo thống kê, hiện có khoảng 97% - 99% DN gặp khó khăn khi tiếp cận pháp luật. Nhu cầu tìm hiểu thông tin và mong muốn áp dụng pháp luật là rất cần thiết đối với DN. Đối với các DN nhỏ và vừa, việc chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật và ý thức thi hành đúng pháp luật còn hạn chế hơn rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân. Hệ thống pháp luật có tiến bộ nhưng đan xen các nguyên tắc khác nhau gây ra thiếu nhất quán, nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và không ổn định. Pháp luật vẫn nặng về quản lý nhà nước và can thiệp hành chính, nhẹ về bảo vệ quyền lợi của DN, không thân thiện với thương mại.
Trong khi đó, niềm tin đối với hệ thống tư pháp chưa cao, điều này được minh chứng bằng kết quả điều tra xã hội học, đó là khi xảy ra tranh chấp, các DN dường như không lựa chọn việc giải quyết tranh chấp qua hệ thống tòa án do những tồn tại, hạn chế của hoạt động này như: Thời gian giải quyết quá dài, án phí cao, tình trạng tiêu cực. Thay vào đó, DN chủ yếu chọn giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài thương mại, hoặc thậm chí thông qua các mối quan hệ quen biết của DN. Tính công khai và minh bạch của hệ thống pháp luật chưa được bảo đảm, DN khó khăn khi tiếp cận thông tin pháp luật, đặc biệt là thông tin từ các cơ quan nhà nước. Cơ sở dữ liệu pháp luật Việt Nam mới được xây dựng, không tập trung. Các thông tin phần lớn là “thô”, dưới dạng văn bản hoàn chỉnh, chưa được xử lý, phân loại theo đúng nội dung, chủ đề, khó tiếp cận…nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Việc phổ biến pháp luật ít hiệu quả, đôi khi trở thành nhàm chán, không thu hút được sự quan tâm của DN.
Trong khi đó, cơ chế tập trung kế hoạch hóa cho đến nay vẫn ít nhiều tác động vào ý thức của các DN, cơ quan nhà nước. Đó cũng là một trong các lý do quan trọng dẫn tới việc không ít cơ quan nhà nước “bận quá”, thường xuyên làm ngoài giờ, sản xuất nhiều công văn. DN mặc dù tự chủ, nhưng chưa có thói quen tự giải quyết. Hầu hết giao dịch của DN thực hiện không có tư vấn của luật sư. Rất ít DN sử dụng luật sư trong hoạt động, chỉ sử dụng tư vấn pháp lý khi vấn đề đã xảy ra.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nhà nước cần phải có các biện pháp để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế, các vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động của DN, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức pháp lý của DN, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN, hạn chế các rủi ro pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh như hiện nay. Nhà nước hỗ trợ DN có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế DN, một hệ thống pháp luật chỉ được coi là hiệu quả khi quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật luôn mang tính chất mở và được hoàn thiện thường xuyên. Nói cách khác, quá trình vận hành, phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội luôn đòi hỏi pháp luật phải được hoàn thiện để điều chỉnh một cách kịp thời các hiện tượng, quá trình nảy sinh trong thực tiễn.