Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành giúp cho các hoạt động kinh tế-xã hội khôi phục trở lại. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, để có thể vận hành, ngoài việc đảm bảo có đủ công nhân sản xuất thì thiếu vốn đang là rào cản lớn nhất hiện nay.
Nhu cầu vay của doanh nghiệp rất lớn
Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong mọi ngành hàng đang trong tình trạng khát vốn để quay lại tái sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng chia sẻ, hai nhà máy của DN đã phải áp dụng “3 tại chỗ”, kèm theo là hàng loạt khó khăn khác như giá cước vận tải container, giá vật tư, bao bì, thức ăn chăn nuôi tăng vọt...Đến nay lợi nhuận tích lũy bao năm của công ty đã bị tiêu hao hết.
Theo ông Lĩnh, để duy trì sản xuất, công ty rất cần vốn lãi suất thấp. Nhờ lợi thế xuất khẩu, Thuận Phước được vay vốn bằng ngoại tệ nhưng vẫn còn một khoản vay với suất khá cao và nếu lãi suất vẫn neo ở mức 7 - 8%/năm, thì DN khó tránh khỏi việc đóng cửa.
“Nhiều DN tại Đà Nẵng thời gian qua đã lựa chọn đóng cửa vì lãi suất cao, sản xuất không đủ trả lãi và bù lỗ. Nay những DN này quay lại sản xuất nên cũng rất cần vốn và phải là vốn lãi suất thấp mới gượng dậy được. Đề nghị các bộ ngành có chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ vốn vay cho DN” – ông Lĩnh nói.
Tương tự, ông Vũ Tuấn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón công nghệ cao Việt Âu Châu - đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón, xuất khẩu nông sản, cũng chia sẻ dịch Covid-19 khiến chi phí của DN tăng cao nhưng giá bán lại không thể theo kịp do sức mua sụt giảm mạnh. Để hoạt động trở lại, DN cần nguồn vốn lớn nhưng việc vay vốn gặp nhiều thủ tục khó khăn, tài sản thế chấp định giá thấp… “Sau đại dịch, ngành nông nghiệp sẽ có bước phục hồi mạnh. Nếu không tiếp cận được vốn để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời gian cuối năm, DN sẽ khó vực dậy” - ông Thanh cho biết.
Về nguồn vốn cho DN, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, nhận định trong thời điểm khó khăn như hiện nay, rất cần những nguồn vốn vay ưu đãi, không chỉ chi trả lương cho công nhân mà còn giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí để tập trung phục hồi sản xuất.
Tạo điều kiện vay nhưng không hạ chuẩn
Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ giúp DN vượt khó. Tuy nhiên DN vẫn rất cần được tiếp cận thêm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác, đáp ứng các nhu cầu thiết thực và cấp thiết của số đông DN.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, bước vào giai đoạn bình thường mới, DN cần được tiếp vốn để phục hồi. Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, nhiều DN nhỏ và vừa rất khó khăn, không có khả năng tồn tại và thiếu dự án khả thi. Vì nếu cho vay, các ngân hàng sẽ dễ gặp rủi ro nên DN rất khó tiếp cận được vốn. Do vậy, cần có những quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa và được vận hành hiệu quả.
Tuy nhiên theo phân tích của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, với các DN trên thế giới, cần 10 đồng để đi buôn thì trong túi họ phải có 7 đồng, đi vay 3 đồng. Nhưng đặc thù của nhiều DN Việt Nam là chỉ có 1 đồng, 9 đồng đi vay, dẫn đến tình trạng làm không đủ tiền trả lãi vay, nhất là lĩnh vực kinh doanh sản xuất, hàng hóa trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh.
Ông Tú cho rằng, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam như “đi trên dây”, nếu cứ mở bung tín dụng, DN cần bao nhiêu cấp bấy nhiều có thể không thu được nợ, ai sẽ chịu trách nhiệm trả lãi cho người gửi tiền, dẫn đến mất thanh khoản, rối loạn nền kinh tế ngay lập tức. Ngược lại, nếu cứ “đóng cửa”, chặt chẽ thì DN lại “chết”.
“Nên thành thật mà nói, các ngân hàng cũng rất khó khăn, phải giải quyết đồng thời câu chuyện tiền huy động về không được để yên một chỗ, nhưng cho vay dễ dãi quá thì vừa sai luật vừa mất vốn” – Phó Thống đốc NHNN nói đồng thời tái khẳng định: NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng khi cần thiết, nhưng không đặt ra vấn đề hạ điều kiện, tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng để bảo đảm an toàn. Tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay trước mắt.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, quan ngại lớn nhất của khu vực DN nhỏ và vừa hiện nay chính là những khó khăn do bị thu hẹp thị trường. Sự cạn kiệt các nguồn vốn, tín dụng do chi phí sản xuất tăng cao, gánh nặng về việc xét nghiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện các yêu cầu như “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến”... khiến rất nhiều DN lâm vào cảnh khốn khó.