Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng) với các điều kiện mở để tăng khả năng tiếp cận.
Theo khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp là rất đúng đắn nhưng vấn đề là cần làm rõ các đối tượng thụ hưởng, cách thức, liều lượng hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả thực chất. Trong đó, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những điểm chưa thành công của gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 1 tỷ USD) từ năm 2009 để triển khai gói hỗ trợ mới hiệu quả hơn, tránh để lại hậu quả trong tương lai.
“NHNN đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… bàn phương thức triển khai gói cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho DN cũng như cho nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú cho hay.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, gói cấp bù lãi suất là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khi xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến các mục tiêu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Nếu không đạt mục tiêu này thì nhiều mục tiêu khác cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói hỗ trợ này nên cần chờ thêm thời gian nữa. Khi gói cấp bù lãi suất được triển khai, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tính toán đúng nhu cầu, xây dựng những kịch bản, phương thức để triển khai gói hỗ trợ này một cách hợp lý nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM mong cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, bởi DN gần như đã kiệt quệ.
“Gói cấp bù lãi suất từ ngân sách để giúp lãi suất cho vay giảm còn khoảng 4%/năm và ngân hàng thương mại triển khai trực tiếp tới các DN sản xuất, kinh doanh đang bị ảnh hưởng bởi dịch là cần thiết. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sớm thông qua gói này để triển khai, với quy trình hướng dẫn cụ thể cho các ngân hàng thương mại giúp DN được hưởng lãi vay giảm thực chất, có thể ưu tiên cho khu vực DN bị thiệt hại nặng nề trong dịch ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...”, ông Việt kiến nghị.
Trong khi đó lãnh đạo một ngân hàng thương mại khi bàn về gói tín dụng này đã phân tích, điều quan trọng nhất khi thực hiện gói hỗ trợ tín dụng này là phải lựa chọn được trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn được các đối tượng ưu tiên, không nên hỗ trợ cào bằng kiểu “rải thóc”. Lần này, những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 đã khá rõ ràng, từ DN lẫn địa bàn.
Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, vào thời điểm năm 2009, ngành ngân hàng đã có một gói tín dụng cấp bù lãi suất hỗ trợ DN trước khủng hoảng kinh tế. Thời điểm đó, một số DN không thiếu vốn nhưng vẫn lợi dụng chính sách này để vay vốn từ ngân hàng này gửi sang ngân hàng khác thu về lợi nhuận, khiến việc hỗ trợ lãi suất bị méo mó.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khi đặt vấn đề có gói cấp bù ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho DN thì phải xác định có những DN không thể vay được. Đây là cho vay qua các tổ chức tín dụng, không phải cấp phát từ ngân sách nhà nước, nên phải có hiệu quả mới được cấp tín dụng. Ông Kiên cũng cho rằng, DN mong muốn được vay, nhưng bắt buộc phải tuân theo quy luật thị trường một cách sòng phẳng, rõ ràng.