Kinh tế

Doanh nghiệp khó khăn do chi phí vận chuyển tăng

Lê Bảo 24/01/2024 08:56

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang “đứng ngồi không yên” vì một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước.

anh-bai-duoi.jpg
Chi phí vận tải đường biển tăng mạnh. Nguồn: VGP.

Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký VASEP cho biết, khoảng 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông của Mỹ, Canada và EU phải thông qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, để vượt qua kênh đào Suez, nhiều tàu vận tải phải chọn hành trình vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian hành trình thêm 7-10 ngày, tăng chi phí phát sinh, bao gồm cả chi phí của vòng quay thêm của tàu.

Theo tính toán, cước phí vận tải biển trong thời gian qua tăng nhanh chóng từ 100 – 150% làm tăng chi phí logistics giá cả hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Không những thế, thời gian tàu đi qua Biển Đỏ cũng kéo dài hơn trước. Nếu như trước đây, hàng hóa đi Anh chỉ mất 35 ngày, giờ mất 60 ngày vì đi vòng qua Nam Phi.

Bà Phùng Thị Kim Thu - chuyên gia của VASEP cho hay, từ cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản mới có dấu hiệu hồi phục, thì đến thời điểm này lại thêm một thách thức mới cho doanh nghiệp (DN) thủy sản trong năm 2024. Chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, đối với các loại trái cây có thời gian bảo quản lâu như bưởi và dừa (khoảng 65 ngày), DN vẫn tiếp tục sử dụng đường biển để xuất khẩu. Nhưng với những loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, thời gian bảo quản không lâu, phải chuyển qua vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chi phí cao, với mức giá gấp khoảng 10 lần so với đường biển. Trong khi chi phí vận chuyển qua đường biển chỉ là 0,4 USD/kg, thì đường hàng không có giá từ 4 - 5 USD/kg. Do đó, DN gặp khó khăn trong việc xuất khẩu đơn hàng lớn, nhất là dịp cuối năm.

Trước tình hình chi phí vận chuyển gia tăng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị các DN theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Đồng thời, khuyến cáo DN đa dạng nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Trước thực tế trên, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu ngành hàng hải thực hiện ngay các giải pháp nhằm hỗ trợ DN trước tình trạng tăng giá dịch vụ container khi xuất khẩu đến châu Âu và châu Mỹ; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng hải đẩy nhanh quá trình làm thủ tục vào, ra cảng cùng việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu vận chuyển xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ và châu Âu. Khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn… Chính vì vậy, việc thiết lập logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp khó khăn do chi phí vận chuyển tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO