Tìm cách giảm chi phí logistics

H.Hương-P.Vân 14/08/2023 08:00

Ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp... Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang có những giải pháp gỡ khó để tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng hóa.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang từng bước đầu tư phát triển. Nguồn: DTO.

Ông Phan Thanh Hưng - Công ty CP Dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế nêu thực tế: “Doanh nghiệp (DN) chúng tôi làm hàng quá cảnh, trong thời gian qua có nhiều chi phí phát sinh đối với hàng quá cảnh, khiến chi phí logistics tăng cao. Chẳng hạn như, phí hạ tầng cảng biển TPHCM, một container hàng quá cảnh DN phải nộp 4,4 triệu đồng; lên Mộc Bài phải đóng thêm 2,5 triệu đồng, như vậy, 1 container hàng DN vận chuyển từ TPHCM lên Mộc Bài mất 6,9 triệu đồng cho chi phí hạ tầng. Cùng đó, chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành, như kiểm dịch… cũng rất tốn kém do DN phải đóng phí lưu container, lưu bãi dài ngày. Chẳng hạn, với mặt hàng sữa lon, DN phải thực hiện kiểm dịch động vật, phải ra Hà Nội xin giấy kiểm dịch và phải chờ trong 1-2 tháng, trong khi thời gian kéo hàng từ cảng Cát Lái đi Mộc Bài chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Ngoài ra, DN còn phải nộp nhiều khoản phí do các hãng tàu đặt ra khá nhiều”.

Ông Hưng cho rằng những việc đó đã đẩy chi phí của DN lên cao.

Mới đây, tại Tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng DN phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu”, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm yếu làm cản trở sự phát triển của ngành logistics.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, phát triển dịch vụ logistics hiện chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và định hướng phát triển. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ chậm, thiếu đồng bộ khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng… Kéo giảm chi phí logistics là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Giao thông vận tải, khoảng 20% số cảng biển tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics. Tuy nhiên, có tới hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Khoảng 30% số sân bay tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi hơn 40% số sân bay phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Theo các chuyên gia, để giảm chi phí logistics, giải pháp căn cơ là tăng cường vận chuyển đường thủy kết nối cảng nội địa gần với nhà máy, đồng thời phát triển các cảng cạn và kho chứa có kết nối đường thủy tại các khu kinh tế trọng điểm. Những ưu điểm của giải pháp này là tuyến sà lan ổn định, không bị hạn chế khi đi vào các khu vực làm hàng, lượng container chuyên chở lớn (từ 36-96 TEU), đội ngũ vận hành phương tiện ít (chỉ từ 3-4 nhân sự).

Ông Phan Văn Có - Công ty TNHH Vrice cho biết, chi phí vận chuyển bằng sà lan qua tuyến đường thủy từ các cảng tại TPHCM về cảng Thốt Nốt là 5,3-5,5 triệu đồng/container. Trong khi đó, nếu đi bằng đường bộ, mức chi phí sẽ tốn gấp đôi.

Về những giải pháp quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách để phát triển logistics trong thời gian tới, ông Có cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các cảng hàng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa. Cùng đó, tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Bắc Hải - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam rất lớn. Các DN cần nỗ lực chuyển đổi công nghệ quản lý để tăng cường tự động hoá khâu quản trị, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, gia tăng nội lực cung ứng. Đó cũng chính là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt vào 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%).

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 43.000 DN dịch vụ logistics. Trong số đó, hơn 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Song, đáng lưu ý 89% là DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Những DN logistics lớn là DN 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách giảm chi phí logistics

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO