Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mang lại nhiều cơ hội về thu hút đầu tư, gia tăng nhu cầu vận chuyển, tuy nhiên quá trình này cũng đang bộc lộ những thách thức mà ngành logistics Việt Nam phải đối mặt. Do vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có những giải pháp nâng cao năng lực, giữ lợi thế trên chính sân nhà...
Phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn
Theo ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, rằng thời gian vừa qua, logistics chiếm chi phí rất lớn trong cấu thành giá trị của sản phẩm. Giai đoạn khó khăn như năm 2021, chi phí logistics tăng hàng chục lần. Đây là điểm rất khó khăn để các doanh nghiệp (DN) cân đối chi phí trong sản xuất. Trong cấu thành giá trị của sản phẩm, DN phải tìm kiếm cơ hội đa dạng các nhà vận tải mới có yếu tố cạnh tranh. Điều đáng nói là, Việt Nam không có hãng tàu nên bị chi phối bởi các hãng tàu nước ngoài rất lớn.
Để tạo thuận lợi hơn trong giảm chi phí cũng như tìm kiếm đối tác cho các DN xuất khẩu, ông Nhựt đề xuất Việt Nam nên phát triển các trung tâm logistics tại các cảng lớn. Việc này nhằm đảm bảo lượng tàu vào ra cho phù hợp.
Có thể nhận thấy sự chênh lệch về năng lực khiến các DN logistics Việt Nam cạnh tranh gay gắt với các DN logistics của EU, vốn rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Hiện nhiều DN logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như các tập đoàn DHL Group, Kuehne + Nagel, DB Schenker của Đức, tập đoàn Maersk của Đan Mạch...
Trong khi đó, các DN dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn ở quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển dẫn đến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước.
Bên cạnh đó, hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế của EU. Đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, các mặt hàng truyền thống hay các mặt hàng mới cũng cần có sự bảo đảm tốt hơn về chất lượng bảo quản, vận chuyển, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, mây tre đan, đồ gỗ là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do điều kiện nhiệt độ, môi trường.
Ông Mai Trần Thuật - Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group cho hay, để các DN nội địa cạnh tranh trực tiếp với các DN nước ngoài, những công ty lớn như Maersk hay DHL thì rất khó. “Bản thân chúng tôi đi trước đón đầu, tạm thời là làm đại lý, hợp tác với các hãng lớn và làm thầu phụ lại cho họ, tuy nhiên đã và đang gặp không ít khó khăn” - ông Thuật cho hay.
Đồng hành với doanh nghiệp
Số liệu thống kê cho biết, hiện có hơn 4.000 DN logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. Chưa kể, DN dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao hơn. Do vậy, câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh đã và đang được đặt ra cho các DN.
Chưa kể Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu trái cây, thủy sản với sản lượng lớn. Khi hiệp định EVFTA được ký kết, mở ra thị trường xuất khẩu sâu rộng. Do đó, rất cần có các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu rủi ro, hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu.
Theo đánh giá của ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, ngành logistics nước nhà còn rất nhiều việc phải làm, như tập trung phát triển kết cấu hạ tầng logistics, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics... Phát triển các trung tâm logistics có trình độ tự động hóa, hiện đại hóa, không thua kém các nước trong khu vực là một nhiệm vụ quan trọng.
Mới đây, nhằm thúc đẩy ngành logistics phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, trong hội nhập, điều quan trọng nhất là DN phải tìm hiểu thật kỹ các cam kết của các FTA liên quan đến ngành hàng xuất khẩu của mình, đó chính là cơ hội và thách thức. DN cần thay đổi tư duy làm ăn, tiếp cận thị trường một cách bình đẳng và chấp nhận sự cạnh tranh. Đặc biệt, để đứng vững trên sân nhà, DN Việt cần tập trung đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.