Doanh nghiệp mong mỏi điều gì?

Minh Phương 29/04/2016 09:05

Mặc dù cơ quan chức năng đã giảm nhiều thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới xin được một giấy phép xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng… Hàng loạt những vướng mắc cần phải được tháo gỡ để hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN được thuận lợi hơn. Đó là những mong mỏi của nhiều DN trước thềm hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 29/4. 

Doanh nghiệp mong mỏi điều gì?

Tháo gỡ vướng mắc, rào cản để doanh nghiệp phát triển.

Mệt mỏi vì đợi giấy phép

Trong khi môi trường kinh doanh còn đang tồn tại nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, khiến doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra nhiều loại chi phí không chính thức, hay những thủ tục hành chính rườm rà… khiến cộng đồng DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thì cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng DN trong ngày 29/4 này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được hàng loạt những vướng mắc, khó khăn đó suốt trong thời gian dài vừa qua.

Chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Bùi Đức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH VINABT, chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho biết, mong mỏi lớn nhất của DN chính là làm sao có thể giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà vì điều đó đôi khi khiến DN mất cả bạn hàng vì đối tác không thể chờ được.

Ông Toàn kể, hơn một tháng qua, ông phải chờ đợi để được cấp giấy phép xuất khẩu cho sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản nhưng vẫn chưa xong. “Hợp đồng đã ký nhưng hàng vẫn bị đọng lại ở bên này chưa xuất đi được chỉ vì chưa xin được giấy phép”- ông Toàn than thở. “Nếu kéo dài hơn nữa, nguy cơ chúng tôi bị hủy hợp đồng là khó tránh”. Bởi vậy, ông Toàn bày tỏ mong muốn, sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và cộng đồng DN, các thủ tục hành chính rườm rà sẽ được giản lược để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vì để tìm được bạn hàng mới đối với mỗi DN không phải điều dễ dàng, nhiều khi chỉ vì thủ tục, giấy phép làm mất thời gian khiến DN mất cả mối làm ăn.

Còn theo bà Lê Mai Lan- Giám đốc kinh doanh Công ty Lenger, chuyên cung cấp sản phẩm nghêu sạch, thời gian qua, các DN nhỏ và vừa vẫn phải “tự bơi” tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ đầu ra cũng như phải rất cố gắng mới có thể trụ được trên thương trường. Là một DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thủy sản sạch, sử dụng công nghệ của Hà Lan, Công ty Lenger đã và đang tìm cách xây dựng thương hiệu trên thương trường. Tuy nhiên, bà Lan cho biết, vì là DN liên doanh với công ty nước ngoài nên dường như Lenger đang bị phân biệt đối xử với các DN trong nước. Nêu cụ thể vấn đề, bà Lan cho hay, được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có chương trình tư vấn, hỗ trợ DN thế nhưng khi nghe DN có yếu tố liên doanh với công ty nước ngoài thì DN lại bị chối từ không nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ chương trình của VCCI nữa. “Vì là một DN nhỏ vừa mới thành lập được khoảng 2 năm nay nên chúng tôi rất cần nhận được những trợ giúp, tư vấn chính sách từ các tổ chức, hiệp hội DN cũng như cơ quan nhà nước, nhưng thực tế chúng tôi chưa được quan tâm lắm và vẫn đang phải tự mày mò đường đi nước bước”- bà Lan chia sẻ và bày tỏ mong muốn, tới đây sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với DN, các DN nhỏ và vừa bất kể có yếu tố liên doanh nước ngoài hay không đều sẽ nhận được những hỗ trợ từ cơ quan quản lý để DN có động lực hơn trong việc phát triển sự nghiệp kinh doanh.

Doanh nghiệp mong mỏi điều gì? - 1

Doanh nghiệp mong muốn gánh nặng thủ tục hành chính sẽ được giảm nhẹ hơn nữa.

Thanh, kiểm tra quá nhiều

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, nhiều DN bày tỏ rằng, họ rất mệt mỏi với về vấn đề thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. “Hầu như tháng nào cũng có thanh tra tới “hỏi thăm” DN và họ thanh, kiểm tra đủ các lĩnh vực như thanh tra lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy, thanh tra môi trường… khiến chúng tôi rất mệt mỏi, thậm chí thấy nản. Trong quá trình hội nhập như hiện nay, chúng tôi rất mong mỏi, nhà nước sẽ tạo điều kiện cho DN sản xuất tốt hơn, thay vì tháng nào cũng thanh, kiểm tra nên làm gộp lại để đỡ ảnh hưởng tới hoạt động của các DN”- giám đốc một DN vừa và nhỏ ngành nhựa nêu lên nguyện vọng.

Không chỉ kỳ vọng nhẹ gánh các thủ tục hành chính và được nhà quản lý quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ hơn, các DN còn mong muốn cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng sẽ dễ dàng hơn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. “Hiện nay, chúng tôi đang rất khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn, chủ yếu các DN nhỏ và vừa phải tìm vay của họ hàng, người thân, thậm chí là các tổ chức tín dụng đen, nên tính rủi ro rất cao”- ông Bùi Đức Toàn cho biết.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc, khảo sát cộng đồng DN trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI đã đưa ra nhận định rằng, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Theo ông Lộc, các cuộc khảo sát của VCCI về cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, cho thấy một tín hiệu đáng lo ngại là DN tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, DN quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. “Đây là một lực cản đáng kể khiến các DN không lớn lên được và quy mô bình quân của DN Việt Nam ngày càng nhỏ đi”. Trước thực tế này, Chủ tịch VCCI kiến nghị, cần phải có biện pháp khắc phục thực trạng này.

TS Lê đăng Doanh: Cán bộ phải công minh, không nhũng nhiễu

Hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp mặt, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng DN. Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ tiếp theo để tháo gỡ khó khăn cho DN. Tôi nghĩ, không phải riêng DN mà bất cứ ai cũng đều mong mỏi có cuộc gặp gỡ này. Để từ đó, môi trường kinh doanh được hoàn thiện hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thuận lợi hơn, từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững hơn. Với riêng tôi, điều tôi mong ước chính là làm sao nền kinh tế giữ được lạm phát thấp, môi trường đầu tư ổn định, lãi suất ngân hàng có thể kéo xuống thấp hơn nữa. Như vậy, DN sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn vay thấp. Thứ hai, tân Thủ tướng đã hứa sẽ cải cách về thể chế và khuyến khích ủng hộ DN kinh doanh. Tôi mong mỏi lời hứa đó sẽ sớm được thực hiện. Và một điều rất quan trọng nữa, đó là cần phải cải cách bộ máy cán bộ hành chính, chính quyền địa phương, vì đây là bộ phận gần DN nhất. Cán bộ không công minh, nhũng nhiễu dân, nhũng nhiễu DN thì DN sẽ không thể yên tâm sản xuất. Vụ việc quán cà phê “Xin Chào” là ví dụ điển hình. Bởi thế, trong cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng và DN, tôi mong có cả các cơ quan, ban ngành tham gia để lắng nghe DN nói, lắng nghe những kiến nghị của DN, từ đó bộ máy được hoàn thiện hơn, môi trường kinh doanh mới được thông thoáng hơn.

Anh Thư (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp mong mỏi điều gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO