Doanh nghiệp nhập khẩu thép: 'Qua cửa' 9 bộ, ngành

T.Hằng 21/03/2016 09:30

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, thép thuộc diện áp dụng biện pháp chống phá giá và mặt hàng thép hợp kim chứa Bo (Boron) có nguy cơ gian lận cao nên cần kiểm soát chặt.

Trong công văn gửi Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (mặt hàng thép nhập khẩu) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tài chính, thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng do mức thuế quy định tại Biểu thuế ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế ưu đãi đặc biệt (FTAs) có sự chênh lệch về mức thuế nên phát sinh gian lận về xuất xứ và khai báo. Gần 1 triệu tấn phôi thép Trung Quốc “đội lốt” hợp kim vào Việt Nam và đề nghị tăng cường kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu chính là biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước khi mức thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình còn 0% theo các cam kết đã ký” – ông Tuấn khẳng định.

Trước đó, tại buổi đối thoại nóng giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp nước ngoài diễn ra vào ngày 16/3, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP HCM, cho biết hiện nay có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật mới, nhưng trong đó có không ít nội dung tạo ra cơ chế xin - cho. Ví dụ trong lĩnh vực hải quan, có khi một lô hàng thép qua cửa khẩu phải xin giấy con của 9 bộ, ngành. Vì vậy Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đề nghị phía lãnh đạo hải quan TP HCM giải trình rõ về vấn đề này. Ông Thăng đã đặt hàng loạt câu hỏi; Hải quan nói một cửa, thực tế này có hay không? Làm gì để giải quyết?

Đại diện Bộ Tài chính trả lời, riêng về thủ tục hải quan đối với mặt hàng thép nhập khẩu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) áp dụng phân luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với các mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành và quản lý thuế như kiểm tra chất lượng theo Thông tư 44; giấy phép nhập khẩu tự động theo Thông tư 12/2015/TT-BCT; thép làm cốt bê tông kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn Việt Nam tại Thông tư 21/2011/TT-BKHCN, mặt hàng thép có form C/O thuộc diện hưởng thuế ưu đãi...

Đồng thời, kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế hàng hóa 100% và lấy mẫu phân tích đối với các mặt hàng thép Trung Quốc (trong nước chưa sản xuất được) để xác định đúng bản chất hàng hóa xác định mã số chính xác, mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp chống phá giá và mặt hàng thép hợp kim chứa Bo (Boron) có nguy cơ gian lận cao.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn viện dẫn: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát việc nhập khẩu thép theo quy định tại Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi nhập khẩu, sử dụng không đúng mục tiêu đã đăng ký và không đảm bảo chất lượng khi đưa vào các công trình xây dựng, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài (về hàng rào kỹ thuật, hành chính) để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu thép và phôi thép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhập khẩu thép: 'Qua cửa' 9 bộ, ngành