Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định mới đây công khai danh sách 252 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, trường học nợ đóng nhiều loại bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) từ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9/2020), với tổng số tiền nợ lên đến gần 100 tỷ đồng. Những con số đã và đang khiến nhiều NLĐ ở địa phương khốn đốn...
"Chúng tôi đang phải đứng giữa đường"
Trước đó chưa lâu, tại buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị và công nhân (tổ chức tại KCN Bảo Minh-huyện Vụ Bản), nhiều công nhân, NLĐ là nạn nhân của việc DN nợ, trốn đóng bảo hiểm cho hay họ đang phải “đứng giữa đường”.
Cụ thể, theo anh Trần Thanh Tùng, công nhân Công ty May Nam Hải (Đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Nam Định), nhiều năm qua bản thân và nhiều NLĐ khác trong công ty luôn thực hiện việc đóng phí BHXH cho DN. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay DN đã không thực hiện nộp tiền bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm khiến mọi quyền lợi liên quan của các anh không được cơ quan bảo hiểm chi trả.
“Lên công ty hỏi thì không gặp được lãnh đạo, lên cơ quan bảo hiểm hỏi thì bảo DN chưa nộp tiền nên không thể giải quyết các chế độ khiến nhiều năm nay chúng tôi lâm cảnh phải đứng giữa đường. Quyền lợi bảo hiểm không được chi trả, sang công ty khác thì không được công ty cũ chốt sổ bảo hiểm, nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn chưa được giải quyết chế độ...”, anh Tùng bức xúc.
Tương tự, anh Bùi Văn Tám (Công ty TNHH Aelim Vina, KCN Hòa Xá) cho biết thời gian qua chủ DN bỏ trốn khiến anh cùng tập thể NLĐ trong công ty vô cùng khốn đốn, mất việc làm, bị nợ lương, nợ BHXH, việc chốt sổ bảo hiểm để tìm việc mới hoặc hưởng BHTN gặp nhiều khó khăn. “Tôi tha thiết đề nghị lãnh đạo tỉnh can thiệp, giúp chúng tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng”, anh nói.
Tại buổi đối thoại, nhiều NLĐ cũng phản ánh một số DN trên địa bàn không chấp hành các quy định về việc xây dựng thang bảng lương; định mức lao động, nội quy lao động; bố trí thời gian làm thêm giờ không đúng quy định khiến NLĐ bị thiệt thòi, trong khi công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng không đủ mạnh, không đủ sức răn đe.
Cùng với đó, vấn đề các KCN trên địa bàn không có những thiết chế cần thiết như nhà trẻ, siêu thị tiện ích... khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống, không yên tâm làm việc.
“Mong anh chị em công nhân thông cảm!”
Trước những phản ánh, kiến nghị của NLĐ, trả lời tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Thị Minh Thư, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định cho biết: “Theo quy định, DN đóng bảo hiểm đến thời điểm nào thì cơ quan BHXH giải quyết chế độ cho NLĐ đến thời điểm đó. Mong anh chị em công nhân thông cảm vì cơ quan bảo hiểm không thể làm khác!”.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thì nêu vấn đề: “Cần phải xác định rõ nếu DN không trích nộp tiền BHXH thì quyền lợi của NLĐ được đảm bảo như thế nào? Trách nhiệm của BHXH ra sao?”.
Việc NLĐ đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm cho DN nhưng DN không nộp cho cơ quan bảo hiểm, không được giải quyết quyền lợi, ông Phạm Đình Nghị cho rằng đây là lỗi của DN chứ NLĐ không có lỗi.
Từ đó, một mặt Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các chủ DN phải thực hiện nghiêm luật, mặt khác yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh phải tăng cường thanh, kiểm tra, khi phát hiện phải xử lý kịp thời; đề nghị các cấp công đoàn cần chủ động, phối hợp nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời để cơ quan chức năng xử lý.
Cũng tại buổi đối thoại trên, việc nhiều DN vi phạm, không xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, bố trí làm thêm giờ sai quy định, theo ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nam Định có nguyên nhân do chế tài cho việc này chưa đủ mạnh. “Nếu vi phạm DN cũng chỉ bị phạt từ 3-5 triệu đồng, không thấm gì!”, ông Trọng nhìn nhận.