Cái “bắt tay” hợp tác của Vingroup với gần 250 doanh nghiệp Việt Nam tại chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa” vừa qua đang nhen nhóm kỳ vọng về một sự thay đổi. Bởi trong bối cảnh các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường trong nước, thì sự liên kết này sẽ tạo ra chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm hàng Việt, nâng sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Cái “bắt tay” của Vingroup là cơ hội thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước.
Đã tìm ra “nhạc trưởng”
Tập đoàn Vingroup vừa tổ chức Lễ ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 DN Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Vingroup và các công ty thành viên gồm Vincommerce, Vincom Retail, VinEco, VinDS sẽ triển khai các gói giải pháp ưu đãi về phân phối, tăng cường hiện diện thương hiệu, tư vấn công nghệ, quản trị… Trong đợt này, hơn 140 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với nhau về phân phối.
Theo đó, trong vòng một năm (1/6/2016 đến 1/6/2017), các doanh nghiệp trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Đáng chú ý, các DN cung ứng thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây…) sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%.
Theo chia sẻ của đại diện Vingroup, đây là hình thức bán hộ không lãi đồng thời cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường. Toàn bộ phần chiết khấu sẽ được Vinmart và Vinmart+ hoàn trả 100% về nhà cung cấp, với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí để DN tái đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có thêm điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, hình thức này cũng khuyến khích các nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.
Động thái này của Vingroup được đánh giá sẽ là đòn bẩy để hàng hóa nội địa có thể phát triển trong bối cảnh hàng Thái, hàng Nhật, hàng Trung Quốc đang xâm nhập khá tràn lan vào thị trường trong nước thời gian qua.
Trước khi có sự hợp tác này, nhiều chuyên gia trong ngành bán lẻ đã bày tỏ quan ngại rằng, nguy cơ thị phần bán lẻ của Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn lớn của nước ngoài là rất lớn. Nguyên do là bởi, ngành bán lẻ nước nhà thiếu hẳn một nhạc trưởng để có thể chỉ huy cả một “dàn nhạc”.
Trong khi đó, những ông lớn đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc lại rất sành sỏi về việc này, họ nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong nước cung cấp những sản phẩm mà người tiêu dùng Việt Nam đang cần với giá cạnh tranh. Từ đó, họ dần chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, sự kiện kết nối giữa Vingroup với 250 DN nội đang tạo ra một “thế cờ” mới cho ngành bán lẻ Việt Nam.
Ưu tiên nhóm thực phẩm an toàn
Cái “bắt tay” này của Vingroup được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành bán lẻ trong nước, mang đến cơ hội cho cả nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng trong nước. Bởi, theo lời của ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chương trình nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch và hàng tiêu dùng có chất lượng cho thị trường đồng thời xây dựng các thương hiệu Quốc gia, tiến tới là các thương hiệu đẳng cấp Quốc tế.
Chương trình chú trọng ưu tiên cho nhóm hàng thực phẩm an toàn. Đây chính là mục tiêu của Vingroup nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như tương lai lâu dài cho các thế hệ mai sau. Điều này cũng có nghĩa rằng, không chỉ DN trong nước có cơ hội tiêu thụ hàng hóa mà cả người tiêu dùng cũng sẽ được sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, an toàn và giá cạnh tranh.
Trong bối cảnh ngành phân phối, bán lẻ trong nước đang dần bị các tập đoàn lớn thâu tóm, nắm giữ chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt là các đại gia đến từ Thái Lan, thì cái “bắt tay” này của Vingroup với các DN Việt đang đưa ra minh chứng rằng, cơ hội để các DN Việt nắm giữ thị trường vẫn chưa hết.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cũng đánh giá rất cao về sự kết nối này của Vingroup với các DN Việt. Theo bà Hạnh, việc một DN lớn như Vingroup sẵn sàng đồng hành cùng các DN nhỏ trong bối cảnh ngành bán lẻ đang có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ hàng nội, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Cơ hội cho hàng nội
Trong khi các DN lớn của ta như: Fivimart, Intimex đã lần lượt bán hết cổ phần vào tay các đại gia nước ngoài, ngay cả những tập đoàn lớn như Big C, Metro cũng đã sang tên đổi chủ, Hapro cũng hoạt động cầm chừng… thì việc Vingroup tiếp tục đứng vững, không những thế còn mở rộng liên kết thị trường là tín hiệu đáng mừng.
“Cách làm của Vingroup hiện nay ít DN nào làm được, đó là chiến lược phát triển nhanh, đổ tràn nước ra tất cả các ngõ ngách bằng những cửa hàng tiện lợi. Giờ đây ở ngóc ngách nào chúng ta cũng bắt gặp Vinmart, Vinmart +… cho thấy, Vingroup đang tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối bằng chiến lược riêng của mình”- ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sự kết nối giữa Vingroup và các DN sản xuất là cơ hội để người tiêu dùng trong nước được tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và như vậy, rõ ràng, đây thực sự là cái “bắt tay” đánh dấu một sự thay đổi của ngành bán lẻ nước nhà khi mà từ đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã có một người tập hợp, liên kết và hơn thế nữa, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi vì cơ hội được sử dụng hàng nội chất lượng cao, an toàn, giá cạnh tranh.