Năm 2021, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV:Ông đánh giá như thế nào về việc ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2021 này?
Ông Nguyễn Văn Thân: Theo thống kê có khoảng 800.000 doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Giai đoạn đầu nhiều DN chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Nhưng càng ngày DN nhỏ và vừa càng chứng minh được sức sống bền bỉ. Hiện nay theo đánh giá của tôi, mức độ chịu đựng của DN nhỏ và vừa khá dẻo dai.
Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động kinh doanh, thương mại bị gián đoạn, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các DN ngồi lại, suy nghĩ, đánh giá xem hoạt động của mình thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Đúng vậy, đại dịch đã cho thấy nếu các DN vẫn làm ăn theo hình thức chụp giật, lấy ngắn nuôi dài thì không giải quyết được các khó khăn. Bối cảnh hiện nay cho thấy các DN không thể đi nhanh mà phải đi từng bước, đi từ từ một cách bài bản, hướng tới phát triển bền vững. Điều này có nghĩa là tư duy của DN, người lãnh đạo DN phải có sự thay đổi theo xu thế hội nhập và các tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, Covid-19 đã làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các DN Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng nguyên liệu nhập khẩu nên cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Do đó, việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước, tự phát triển các chuỗi cung ứng cũng là bài học cần được các DN chú ý trong thời gian tới.
Thưa ông, trong dịch Covid-19 cũng cho chúng ta thấy rằng, nếu các DN không đầu tư công nghệ, chuyển đổi số thì chỉ có lùi, không có tiến. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nhiều DN Việt Nam vẫn chưa chú trọng đầu tư cho số hóa, vẫn còn tâm lý e ngại, chần chừ, sợ phức tạp, sợ khó… như vậy sẽ rất khó thành công. Ngoài ra, năm 2020 tiếp tục đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực của các DN. Chúng ta cứ tưởng các DN đang thừa lao động, nguồn lao động dồi dào nhưng không phải, các DN đang rất thiếu lao động lành nghề, lao động có chuyên môn cao, nên rất cần những lộ trình đào tạo một cách thực chất, hiệu quả, đi vào đúng nhu cầu phát triển của cộng đồng DN.
Theo ông, năm 2021, DN sẽ gặp những khó khăn cũng như thuận lợi gì?
- Mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các DN trong năm 2021 sẽ sâu hơn. Có thể phải đến giữa năm 2022, may ra chúng ta mới thấy được tác dụng của vắcxin phòng dịch. Vì thế, các DN ngành hàng không, du lịch, dịch vụ… vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.
Khó khăn với các DN Việt Nam trong năm 2021 vẫn chồng chất. Tuy nhiên, DN Việt cũng đứng trước nhiều cơ hội, trong đó đáng lưu ý nhất là uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng chống dịch. Do đó, không những hàng hóa xuất nhập khẩu được giảm bớt ảnh hưởng, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ dịch chuyển, đến đầu tư mới tại Việt Nam nhiều hơn, từ đó mở ra cơ hội hợp tác, kinh doanh cho các DN trong nước.
Với vai trò là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông nghĩ cộng đồng Doanh nghiệp cần gì để phục hồi sức khỏe trong năm nay?
- Trong năm 2020, ngay khi đại dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ rất kịp thời. Vì thế, tôi nghĩ, sang năm 2021, các gói hỗ trợ này nên tiếp tục được phát huy, nhưng một số điều kiện cho DN thụ hưởng cần được giảm xuống và đề ra các phương án đưa chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, điều kiện kiểm tra chuyên ngành… để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến đào tạo nghề, phát triển nền kinh tế phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta phải phát triển một nền kinh tế “uyển chuyển”, linh động và linh hoạt trước mọi vấn đề, để có thể cầm cự và phát triển bền vững trong mọi tình huống.
Trân trọng cảm ơn ông!