Tại buổi tọa đàm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm”, ngày 3/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp thời gian qua chỉ tuyển công nhân dưới 35 tuổi, trong đó có nhiều lao động nữ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các lao động nữ. Do đó, dự kiến sửa Luật Lao động tới đây, Bộ LĐTB&XH sẽ đưa ra cơ chế, chế tài để xử lý vấn đề này.
“Việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; thiếu tính ổn định, bền vững, nhất là việc làm thường xuyên trong khu vực chính thức. Đặc biệt, một số doanh nghiệp FDI tận dụng, tập trung sử dụng những lao động trẻ, những lao động nữ trong độ tuổi 18- 20 sau một thời gian lại thay lao động. Vì vậy, những lao động nữ ở độ tuổi 30-35 ít được tuyển dụng, phải quay về nông thôn với số vốn ít và không có tay nghề”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc để thực hiện xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ. Chương trình nghị sự về Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, điều này không thể đạt được nếu không xóa bỏ những rào cản và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về mặt quản lý nhà nước, Bộ LĐTB&XH đang cân nhắc, tới đây khi sửa Luật Lao động phải làm sao vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng phải có những cơ chế để ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động ổn định, lâu dài, đặc biệt phải quan tâm đào tạo nghề cho những lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo cho họ có công việc làm ổn định, có đủ điều kiện để hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội.