Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã gửi văn bản tới Cục Thuế TP HCM mong “được tháo gỡ” cho 10 doanh nghiệp chuyên mua bán, xuất khẩu cao su bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền hơn 171 tỷ đồng.
Thời gian hoàn thuế kéo dài
Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cao su lớn với doanh thu hằng năm trung bình khoảng 24 triệu USD. Mặc dù không nằm trong số các DN được xác định rủi ro cao về thuế nhưng từ năm 2021 đến nay, công ty chưa được hoàn số tiền thuế GTGT tới 50 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty TNHH MTV Thắng Thắng Lợi (buôn bán cao su) có số tiền thuế GTGT chậm hoàn là 35 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Hoàng Dũng (mua bán, sản xuất, chế biến mủ cao su) gần 23 tỷ đồng; Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương (mua bán xuất nhập khẩu cao su, hóa chất công nghiệp) gần 23 tỷ đồng…
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: Tại các tỉnh phía Bắc có khoảng 200 DN xuất khẩu gỗ chưa được hoàn thuế hơn 6.000 tỷ đồng. Riêng khu vực Cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh có 11 DN, với số tiền chưa được hoàn đã hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều DN gỗ cho rằng việc chậm trễ hoàn thuế xuất phát từ hướng dẫn của Tổng cục Thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, do đó yêu cầu các cục thuế địa phương phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… tăng cường giám sát trong việc xác minh nguồn gốc gỗ. Ngoài ra, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này khiến thời gian hoàn thuế GTGT cho DN kéo dài. Có hồ sơ DN nộp đến 2 năm cũng không nhận được phản hồi dù quy định thời gian hoàn thuế không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ.
Không gây khó cho doanh nghiệp
Theo quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, các hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà cơ quan thuế tiếp nhận được chia thành hai trường hợp là hoàn thuế trước - kiểm tra sau và kiểm tra trước - hoàn thuế sau. Cả hai trường hợp đều quy định thời hạn ngày hoàn thành, tính từ khi DN trình đầy đủ hồ sơ theo quy định (6 ngày làm việc với trước hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau và 40 ngày với kiểm tra trước hoàn sau).
Dữ liệu thống kê cũng cho biết trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. 7 tháng năm 2023 đã hoàn cho các DN 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế. Trong các quyết định hoàn thuế, theo phân loại có gần 80% thuộc nhóm 1 (hoàn thuế trước-kiểm tra sau) chỉ hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước và hoàn sau.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, việc xác định chậm hoàn thuế GTGT phải xem xét từng trường hợp cụ thể với hồ sơ cụ thể để từ đó xác định nguyên nhân do đâu. Tuy vậy, khi chậm thì cơ quan quản lý phải xem xét, rà soát lại quy định của pháp luật, rà soát lại quy trình, cách thức triển khai công tác hoàn thuế để không bị chậm, qua đó vừa đảm bảo yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận…
"Nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, thực hiện đúng quy trình pháp luật, không có hiện tượng gây khó khăn và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế, đáp ứng yêu cầu của DN" - ông Chi nói.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, để gỡ khó hoàn thuế GTGT nên cắt lát ra từng vấn đề. Ví dụ như ở khâu mua vào, người mua phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hóa đơn chứng từ. Họ biết mua hàng của đối tượng nào và phải chịu trách nhiệm về điều đó. Cơ quan thuế sẽ hoàn thuế khi thấy nhà sản xuất mua hàng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có hóa đơn mua vào, nộp thuế đầu ra chứng tỏ DN tồn tại hợp pháp. Tuy nhiên phải xử lý được tận gốc của việc lập hóa đơn chứng từ giả, kiểm soát luồng tiền, luồng hàng của DN.
Theo quy định, cơ quan thuế sẽ phân loại đối tượng DN được hoàn thuế. Nếu DN thuộc diện hoàn thuế trước thì sau 6 ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế. Nếu quá thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế mà việc chậm hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế. Còn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trong vòng 40 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra, kiểm tra. Việc phân loại để xác định các DN ít rủi ro được hoàn thuế trước là rất quan trọng. Với những trường hợp không đủ điều kiện cơ quan thuế trả hồ sơ lại DN bổ sung. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.