Lần thứ hai, doanh nghiệp tại Việt Nam kiện phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Trong hội nhập, để giữ thế chủ động trên sân nhà, theo lời khuyên của các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất nội cần thay đổi tư duy, chủ động liên kết để có tiếng nói mạnh hơn.
Ngành thép đang tự tìm cách cứu mình (Ảnh minh họa).
Lần thứ nhất, vào tháng 9/2014, doanh nghiệp thép tại Việt Nam đã kiện chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội, với kết quả là, Việt Nam áp thuế CBPG với mặt hàng này nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.
Và trong lần thứ 2 này, 4 công ty thép bao gồm Công ty cổ phần thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Thép Việt Ý yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, theo thông báo phát đi từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), từ ngày 15/12, 4 công ty này đại diện cho ngành thép Việt Nam đề nghị Bộ Công thương áp mức thuế tự vệ tạm thời 45% đối với phôi thép và 33% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi thép nhập khẩu không phân biệt nước xuất khẩu trong thời gian 200 ngày để tháo gỡ khó khăn cho nguyên đơn và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm phôi thép và thép dài sản xuất trong nước.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, sau khi xem xét hồ sơ mà 4 công ty gửi lên, Bộ Công thương xác nhận đơn yêu cầu của các công ty trên là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Và vào ngày 25-12, Bộ trưởng Bộ Công thương ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan này cũng cho biết, theo quy định tại điều 18 của Pháp lệnh Tự vệ, thời hạn điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.
Theo quan điểm của 4 công ty, lượng phôi thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng nhanh vào năm 2014 và 2015. Lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 trên 588.000 tấn, và ước tính trong năm 2015 là trên 1,5 triệu tấn. Lượng thép dài nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 đạt gần 830.000 tấn, và ước đạt trên 1,2 triệu tấn. Lượng bán hàng nội địa sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước tăng từ 5-10% trong năm 2015, trong khi lượng hàng hoá nhập khẩu tăng từ 150-160% trong cùng kỳ. Các doanh nghiệp nộp hồ sơ cho rằng điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng thị phần của ngành sản xuất phôi thép trong nước, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, lợi nhuận,...
Còn dẫn số liệu cập nhập từ hiệp hội Thép cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15-9-2015, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam là hơn 1,135 triệu tấn, trị giá trên 421 triệu USD. Lượng nhập khẩu này tăng đến 290% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm đến 75%. Đáng chú ý, thời gian gần đây một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom, trong đó tỉ lệ Crom rất nhỏ, chỉ tương đương với 0,3%, mã HS 7224.90.00 để được hưởng thuế suất 0%, thay vì 9% đối với phôi vuông (phôi thép thông thường).
Thực tế cũng cho biết, ngành thép lao đao vì phôi thép ngoại nhập, nhất là phôi thép có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu không chủ động ứng biến để bảo vệ chính mình trước làn sóng hàng ngoại nhập thì doanh nghiệp nội thua trên sân nhà. Và trong điều kiện mở cửa ngày càng sâu rộng, phòng vệ thương mại là biện pháp giúp doanh nghiệp tự cứu mình. Thế nhưng, theo quan điểm của Cục quản lý cạnh tranh, đáng tiếc phòng vệ thương mại của Việt Nam chỉ hơn Lào và thua Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Do vậy, sự chủ động của 4 doanh nghiệp thép là một hành động cần khuyến khích và động viên, cho thấy ý thức tự bảo vệ mình của doanh nghiệp đã được cải thiện. ư
Cũng cần phải nói thêm, kiện bán phá giá hay phòng vệ thương mại là biện pháp mà nhiều nước áp dụng trong hội nhập, trong đó vai trò hàng đầu thuộc về các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Ở nhiều quốc gia, trước khi ký các cam kết mở cửa, Chính phủ luôn lấy ý kiến của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng để đưa ra các chính sách có lợi nhất. Như vậy, nếu công tác này bị xem nhẹ, thì sẽ khó ước định được tác động bất lợi với doanh nghiệp trong nước khi mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới.. Đã có khuyến nghị cho rằng, khi hội nhập ngày càng sâu rộng, không chỉ cơ quan chức năng khi xây dựng chính sách cần quan tâm hơn đến tiếng nói của doanh nghiệp, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải ý thức hơn nữa vai trò của mình. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp, người sản xuất trước hết phải tăng sức mạnh liên kết, hình thành những hiệp hội đúng nghĩa, đủ sức cạnh tranh.
Chỉ như vậy, các doanh nghiệp, thậm chí là những người sản xuất nhỏ lẻ, mới có thể tổ chức các cuộc vận động hay kiến nghị hình thành các hàng rào kỹ thuật phù hợp để ứng phó với làn sóng hàng nhập khẩu đổ vào Việt Nam.