Doanh nghiệp tiếp tục cầu cứu Thủ tướng vấn nạn cá tầm Trung Quốc ‘đội lốt’ cá tầm Việt

Minh Lộc 01/07/2021 20:34

Dù liên tiếp các chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành nhưng việc xác định nguồn gốc, chủng loài cá tầm Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc cá tầm Trung Quốc ‘đội lốt’ cá tầm Việt khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản.

Cá tầm Trung Quốc vẫn 'đội lốt' cá Việt

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng vừa thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nuôi cá tầm tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung gửi đơn kiến nghị cấp thiết đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Kiến nghị nêu rõ, ngay khi cá tầm Trung Quốc được kiểm soát nhập khẩu đúng quy định, đúng chủng loại và khối lượng khai báo, nghề nuôi cá nước lạnh đã và đang phục hồi dần, vực dậy ngành nuôi trồng cá tầm, phát triển kinh tế cho hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp khắp cả nước. Cụ thể, giá cá tầm nuôi trong nước đã nâng lên từ 120.000-130.000 đồng/kg lên 170.000-180.000 đồng/kg, bảo đảm việc duy trì sản xuất và tái đầu tư, phát triển cho ngành nuôi này.

Cá tầm Trung Quốc tại chợ đầu mối Yên Sở.

Ngày 24/6/2021, Tổng cục Hải quan đã gửi cơ quan CITES Việt Nam về việc phối hợp kiểm tra cá tầm nhập khẩu. Nhưng các kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không xác định cụ thể về giống, loài, con lai hay con thuần chủng của cá tầm nhập khẩu, cá tầm nhập khẩu có đúng với tên ghi trên CITES hay không?

Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định cá tầm trong danh mục được phép kinh doanh ở Việt Nam chỉ gồm: Cá tầm Beluga (Husohuso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Xibêri (Acipenser sinensis) và cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis).

Vì vậy, các doanh nghiệp, hộ nuôi đã gửi đơn kiến nghị lần 2 đến Thủ Tướng, Chủ tịch Quốc hội: Xem xét và có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề tại sao tiếp tục cấp Cites cho các công ty nhập khẩu cá tầm, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các công ty đó hiện vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép CITES và quy định pháp luật hiện hành hay không.

Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập hội đồng khoa học thực hiện thẩm định kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam có đúng quy định pháp luật hiện hành hay không?

Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rà soát lại quy trình cấp CITES từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp. Cục Thú y kiểm soát công tác thực hiện kiểm dịch đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, tránh tình trạng cấp không đúng trình tự thủ tục hoặc một giấy phép kiểm dịch sử dụng nhiều lần cho nhiều lô hàng.

Yêu cầu Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các cửa khẩu thường xuyên nhập khẩu cá tầm như Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng, Thanh Thủy… bảo đảm thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định hiện hành.

Tổng cục Quản lý Thị trường thực hiện sát sao công tác quản lý, nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phòng chống và xử lý các hành vi kinh doanh cá tầm nhập lậu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật, đặc biệt là tại các đầu mối giao thương lớn như TP Hà Nội (Chợ đầu mối Yên Sở) và TP HCM (Chợ đầu mối Bình Điền).

Yêu cầu Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) điều tra, làm rõ, xử lý việc nhập lậu, thẩm lậu cá tầm từ Trung Quốc.

Đề nghị rà soát lại quy trình cấp Cites

Trước đó, như báo Đại Đoàn kết đã phản ánh, tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cùng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan vào cuộc và làm rõ vấn đề nhập khẩu cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại và khối lượng cho phép.

Cụ thể là trường hợp hai trong số các doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu cá tầm Trung Quốc là Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng và Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

Nhiều công ty vẫn nhập khẩu cá tầm Trung Quốc hàng loạt, quá số lượng, khách giống loài được cấp phép.

Vào tháng 4/2021, Bộ Công an có văn bản nêu rõ: Trong thời gian từ 28/1/2020 đến ngày 23/7/2020, tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, 7 doanh nghiệp được các cơ quan Nhà nước cho thông quan nhập khẩu từ Trung Quốc 337 tấn cá tầm Xiberi (tên khoa học: Acipenser baerii, thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).

Trong đó, Công ty TNHH Thủy hải sản Sỹ Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH Đầu tư hải sản Hải Yến nhập 45 tấn; Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nguyệt Vượng nhập 3 tấn; Công ty Cổ phần XNK Thảo Nguyên nhập 6 tấn; Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Xuân Phúc nhập 19 tấn; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Tú nhập 160 tấn…

Theo cơ quan của Bộ Công an, tổng cộng có 337 tấn cá tầm Xiberi sau khi nhập về Việt Nam đã được các doanh nghiệp bán ra thị trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hành vi này là trái với chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, C05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT có biện pháp chấn chỉnh.

Trước những tồn tại, kẽ hở của hoạt động nhập khẩu cá tầm Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề tại sao tiếp tục cấp Cites cho các công ty nhập khẩu cá tầm, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các công ty đó hiện vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép Cites và quy định pháp luật hiện hành hay không.

Cần thành lập hội đồng khoa học thực hiện thẩm định kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam. Kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rà soát quy trình cấp Cites từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp.

Trước đó, trong tháng 12/2020, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng và Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai cũng đã lần lượt có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cùng các ngành chức năng đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tiếp tục cầu cứu Thủ tướng vấn nạn cá tầm Trung Quốc ‘đội lốt’ cá tầm Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO