Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và chủng loại.
Văn bản do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nêu rõ: Ngày 26/1/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.
Trong đó có đề nghị "Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam".
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện các nội dung đảm bảo công tác quản lý. Cụ thể, về chính sách quản lý, căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và các văn bản quy phạm pháp luật, cá tầm nhập khẩu phải có Giấy phép CITES gồm:
Cá tầm Đại Tây dương (Acipenser brevirostrum) và Cá tầm Ban tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại; các loài cá tầm (trừ các loài quy định tại Phụ lục I) thuộc Phụ lục II của Công ước CITES.
Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam bao gồm: Cá tầm Beluga (Huso huso), Cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), Cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), Cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), Cá tầm Xiberi (Acipenser baerii).
Trường hợp nhập khẩu loài cá tầm không có tên trong danh mục nêu trên để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Về thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu, Tổng cục yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan đồng thời gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Trong đó, lưu ý tại ô mô tả hàng hóa phải khai đầy đủ tên thương mại, tên khoa học và mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.
Là một trong những địa phương có sản lượng cá nước lạnh (cá tầm, cá hội) nuôi nhiều nhất cả nước, đến năm 2020, sản lượng sản phẩm này trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 670 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sapa, Bát Xát, Bắc Hà, Văn Bàn…
Tương tự, tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 50 ha mặt nước chăn nuôi cá tầm, cá hồi với 50 trang trại của các doanh nghiệp và hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và TP Đà Lạt. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng luôn dẫn đầu cả nước, đạt 3.000 tấn/năm, giá trị trên 500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tất Ngà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho hay, nghề nuôi cá tầm trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. Cá tầm nhập từ Trung Quốc giá bán chỉ bằng 2/3 giá của cá tầm trong nước. Đặc biệt, khi vào thị trường trong nước, thương lái trộn lẫn cá tầm Trung Quốc vào cá chăn nuôi tại Việt Nam, tạo ra tình trạng lừa dối khách hàng và sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường.
Trước tình trạng này, các hiệp hội, hội và doanh nghiệp nuôi cá tầm đã gửi công văn kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý đối với cá tầm được nhập khẩu từ Trung Quốc dưới mọi hình thức. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Kiểm tra, ngăn chặn nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm không nằm trong danh mục được phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
Ngày 16/1 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ra văn bản nêu rõ: Gần đây báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ...
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phản ánh của báo chí nêu trên để xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.