Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đã có không ít doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí là phá sản. Để khắc phục những khó khăn bất thường này, các chuyên gia kinh tế khuyên rằng, DN cần phải phải linh hoạt áp dụng những giải pháp phù hợp, trong đó áp dụng công nghệ số hóa, cải thiện cách thức phục vụ khách hàng.
Linh động trong cách thức bán hàng là điều cần làm của DN giữa lúc khó khăn.
Mới đây, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op đã được tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại. Nhân viên của hệ thống siêu thị nội địa này sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng (thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm). Và khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới tận nhà.
Có thể thấy, đối với những DN Việt trong ngành bán lẻ hay ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm hoặc ngành dịch vụ ăn uống (F&B) thì việc linh động trong cách thức bán hàng như vậy là điều cần làm trong lúc khó khăn này.
Nói về giải pháp cho các DN Việt vượt khó trong mùa dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng giải pháp phải đến từ chính bản thân nội tại của DN. Chẳng hạn như DN cần tìm đến những cách thức để bán hàng hiệu quả hơn. Các DN nội địa cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết chuỗi với những DN bán được hàng hoặc với các chợ truyền thống, siêu thị để nhận đặt hàng, ký gửi hàng hoá…
Quan sát tình hình khủng hoảng của DN ở nhiều ngành hàng như hiện nay, giới chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn bất thường nên giải pháp của DN cũng phải khác thường, tức là khác với những khủng hoảng trước đây mà phía DN từng đối mặt. Nhất là giữa mùa dịch, bản thân chủ DN phải linh hoạt giải pháp, không ngừng tự học tập và đào tạo để khi qua mùa dịch thì năng lực quản trị, lãnh đạo sẽ được nâng lên.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cũng lưu ý các DN nội địa cần tái cấu trúc lại toàn bộ danh mục sản phẩm sản xuất kinh doanh của mình giữa mùa dịch. Đặc biệt là tập trung vào những sản phẩm đang có nhu cầu cao, cấp thiết trên thị trường. Còn những sản phẩm không có nhiều nhu cầu trong lúc này thì có thể tạm dừng sản xuất.
Và không chỉ giải pháp của chính bản thân DN, những khó khăn khách quan mà họ đang gặp phải cũng rất cần được hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước. Như khảo sát mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) thấy rằng các DN đều than phiền tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang đẩy họ vào tình trạng khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các DN đều đề xuất ngân hàng cần có gói tín dụng lãi suất ưu đãi (nhỏ hơn 5%/năm) cho các DN sản xuất vay và giảm thiểu phí lưu kho do hàng hóa chậm tiêu thụ, đồng thời giảm lãi suất tiền vay cho tất cả các khoản vay giải ngân từ ngày 1/2/2020.
Ngoài ra, các DN mong muốn được cho vay dự trữ hàng hóa (xét cho vay tín chấp) để khi hết dịch sẽ có hàng bán kịp thời. Hơn nữa, cần tăng kỳ hạn vay vốn lưu động từ 4 tháng lên 6 tháng, cũng như chấp nhận cho vay chiết khấu các bộ hồ sơ thanh toán quốc tế qua các điều kiện và hình thức thanh toán quốc tế.
Bên cạnh những vấn đề về vốn, từ những khó khăn chung của DN, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, Nhà nước cần rà soát toàn bộ những thiệt hại, rào cản, vướng mắc mà các DN phải gánh chịu trong mùa dịch để có những động thái hỗ trợ sớm.