Phát triển nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, tuân thủ với các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.
Thị trường bắt buộc phải chuyển đổi xanh
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là một trong những nước đi đầu tại Đông Nam Á về thể chế hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Với yêu cầu của kinh tế tuần hoàn thì yêu cầu cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển... tái chế và tái sử dụng chất thải.
Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường quy định tất cả các bộ ngành và địa phương phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của mình, phải lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững của mình. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu bắt buộc để thế giới đạt mục tiêu tăng nhiệt độ không quá 2 độ vào cuối thế kỷ này.
“Các tiêu chuẩn ESG, đặc biệt là liên quan quan đến phát thải, có thể khó khăn và các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có thể gặp trở ngại, nhưng nếu thực hiện tốt việc chuyển đổi số, quá trình này sẽ không khó” - ông Thọ nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, trong lĩnh vực dệt may, việc chuyển từ nâu sang xanh không làm giảm cạnh tranh mà thực tế cho thấy nếu không chuyển đổi sang kinh tế xanh, chúng ta sẽ mất thị phần. Đơn cử như việc Bangladesh đã vượt qua Việt Nam về xuất khẩu do họ đã áp dụng các tiêu chuẩn xanh như LEED và sử dụng năng lượng mặt trời, trong khi Việt Nam giảm 75% đơn hàng vào cuối năm 2022 và 10% trong năm 2023. Điều này cho thấy chuyển đổi sang kinh tế xanh là cần thiết ngay cả khi chưa có yêu cầu bắt buộc từ châu Âu.
Thị trường bắt buộc phải chuyển đổi xanh, nhưng chúng ta cũng phải tìm ra cách nào để giảm chi phí và đối mặt với vấn đề này. Thực tế, trong các năm 2022 và 2023, dù chúng ta đã giảm chi phí sản xuất xuống 30%, thậm chí đến 50%, nhưng vẫn bị mất đơn hàng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, thực tế đã chứng minh, DN nào dám chi tiền đầu tư cho ESG, thực hành hiệu quả sẽ dễ dàng lọt vào “tầm ngắm” của đối tác trong và ngoài nước trong các hoạt động thương mại, kinh doanh và thu hút vốn đầu tư.
Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào ESG
Báo cáo ESG tại Việt Nam do tổ chức PwC công bố cho thấy, 80% DN đưa ra cam kết về thực hiện ESG hoặc có kế hoạch thực hiện ESG trong vòng 2 - 4 năm tới.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, trong hành trình kinh doanh để có tăng trưởng, DN nào thực sự quan tâm đến yếu tố ESG sẽ thắng. Giá trị lâu dài của việc dám đầu tư thực hành ESG giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng.
Phân tích về đầu tư cho ESG trong DN và giải pháp thu hút vốn cho ESG, ông Matthew Smith - Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn, mà chúng trở thành yếu tố thiết yếu. Một công ty duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn. Nhà đầu tư hướng tới các doanh nghiệp có thực hành ESG sẽ ít rủi ro hơn, đồng nghĩa sẽ dễ lựa chọn những doanh nghiệp này để rót vốn.
Trong khi đó, theo đánh giá của ông Chad Ovel - Tổng Giám đốc Mekong Capital, nền kinh tế năng động của Việt Nam mang lại mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển bền vững. Thị trường đang phát triển và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng mang lại nhiều cơ hội cho các DN tập trung vào ESG. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam thể hiện sự chủ động về thực hành ESG, bao gồm các quy định và ưu đãi hỗ trợ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư bền vững.
“So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với cam kết mạnh mẽ về tính bền vững, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các khoản đầu tư vào ESG. Việc nhấn mạnh đến sự thịnh vượng của cộng đồng và tập thể trong văn hóa Việt Nam rất phù hợp với các nguyên tắc ESG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động kinh doanh” - ông Chad Ovel nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Phát triển DN Dragon Capital Việt Nam, bất chấp những thách thức về hiệu quả sử dụng tài nguyên, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng của mình trong Chỉ số tăng trưởng xanh và Chỉ số tương lai xanh. Nhu cầu ngày càng tăng của công chúng đối với các sản phẩm tài chính xanh phản ánh sự thay đổi xã hội theo hướng bền vững. Nói chung, các yếu tố này giúp Việt Nam trở thành một thị trường rất hấp dẫn cho các khoản đầu tư tập trung vào ESG, mang lại những cơ hội đáng kể so với các nước láng giềng trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, để giải quyết những thách thức đòi hỏi phải tăng cường khung pháp lý, thiết lập hệ thống phân loại xanh quốc gia mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực và nhận thức về tài chính xanh, khuyến khích thực hành báo cáo ESG và GHG tốt hơn trong các công ty và cải thiện cơ chế thực thi quy định.
Bằng cách giải quyết những vấn đề này một cách toàn diện, Việt Nam có thể tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho phát triển bền vững và thu hút đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến tập trung vào ESG.