Sau 1 năm áp dụng Luật doanh nghiệp 2014 mới, tưởng như cộng đồng doanh nghiệp dễ thở hơn , doanh nghiệp sẽ có thêm sinh khí để hoạt động. Nhưng không ít doanh nghiệp phản ánh khó khăn vẫn chồng chất.
Doanh nghiệp thủy sản đề nghị đơn giản thủ tục hành chính. Ngày 18/7, tại TP HCM, Cục kiểm soát thủ tục hành chính –Bộ Tư Pháp và Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP đã tổ chức Hội nghị để các DN kiến nghị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Đại diện Cục kiểm soát thủ tục hành chính –Bộ Tư Pháp đã tiếp thu ý kiến của DN và sẽ tổng hợp đề xuất lên Chính Phủ, giảm các thủ tục hành chính nhiêu khê, tích cực thúc đẩy Nghị quyết 19 của Chính Phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, điều các DN sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam mong chờ. Lam Hồng |
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), số DN được khai sinh tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 6, cả nước có thêm 54.500 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 427 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số DN và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
Như vậy sau 1 năm ( 1/7/2015) kể từ ngày Luật doanh nghiệp 2014 mới được áp dụng, với một số thay đổi về thủ tục, cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhiều hơn. Ngoài ra về số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã có 1.660 DN FDI được thành lập trong giai đoạn này với tổng số vốn hơn 62 nghìn tỷ đồng, bình quân 37,5 tỷ đồng mỗi DN.
Trong năm qua liên tiếp các chính sách hỗ trợ cộng đồng DN được đưa ra. Cùng với Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Đây là những quyết sách được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực đổi mới, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng DN. Các biện pháp hỗ trợ DN về thuế, phí, cũng như cách để DN tiếp cận vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng – DN cũng đã được thực hiện.
Giới chuyên gia bình luận cả số liệu tích cực và tiêu cực về tình trạng DN đều có xu hướng tăng cao, hoạt động của DN vẫn gặp khó khăn, chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Cả số liệu tích cực và tiêu cực về tình trạng DN đều có xu hướng tăng cao.
Nhưng DN kỳ vọng nhất là sau khi luật DN 2014 được áp dụng thì DN sẽ thoát được “mớ bòng bong” các điều kiện kinh doanh. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói, điều kiện kinh doanh không thể là những rào cản góp phần giảm tính cạnh tranh thị trường và tăng cơ hội độc quyền; làm giảm tính năng động, sáng tạo và đổi mới của DN; làm tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng; chưa kể tới nguy cơ tiêu cực và nhũng nhiễu.
Nhiều DN phản ánh, khó khăn vẫn chồng chất như với các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ: Dù đã yêu cầu giấy xác nhận nộp thuế của cơ quan thuế, nhưng Thông tư 38/2016/TT-NHNN còn bổ sung thêm hạng mục báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó. Điều này trong hồ sơ mà Nghị định 24 không quy định. Điều 5 Nghị định quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được NHNN Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Hay tại một cuộc hội thảo về điều kiện kinh doanh mới đây, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH TM Thiên An Phúc (Sơn Tây, Hà Nội) cho hay: Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền chính hãng từ nhà nhập khẩu. Theo quy định này các hãng, các DN nhập khẩu “ung dung” đặt đại lý của mình vào Việt Nam và bán sản phẩm. Như vậy, điều kiện kinh doanh này vô hình chung chỉ có lợi cho DN nước ngoài, trong khi các DN trong nước đã mất rất nhiều công sức để làm thị trường, làm quảng cáo cho họ trong nhiều năm qua.