Dù nhà quản lý đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp (DN) vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.
Báo cáo “Chất lượng của thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” được công bố tại hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh” do VCCI tổ chức sáng 11/11 nêu thực trạng, thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh - điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây khó khăn cho DN. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.
Cụ thể, báo cáo cho rằng, có những thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai”, có những thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược, “thực hành tốt” đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực, nên cũng có tính chất như là điều kiện kinh doanh, buộc DN phải đáp ứng nếu muốn gia nhập và hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo VCCI, việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu vấn đề về tình trạng lạm dụng ban hành thông tư. Ở một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, hiện tượng lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại.
Ngoài ra, theo phản ánh của các DN, nhiều thông tư vẫn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa thống nhất giữa các thông tư với nhau…
Từ những vấn đề nêu trên, báo cáo của VCCI cho rằng, cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp…
Ngoài ra, theo VCCI, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn đối với nội dung của công văn để ngăn chặn tuyệt đối tình trạng công văn ban hành các quy phạm pháp luật; cần cơ chế để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc DN.