Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành ngân hàng dành cho nhóm doanh nghiệp (DN) và khách hàng cá nhân đã được nâng quy mô lên hàng trăm ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều DN than phiền khó tiếp cận nguồn vốn này vì họ không còn tài sản để thế chấp.
Theo phản ánh mới đây của đại diện một hiệp hội chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, hiện một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho DN, nhưng một số ngân hàng vẫn chưa thực hiện vì còn đang chờ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, vị đại diện này cho rằng, trong chính sách “cho phép DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19” chỉ đang áp dụng đối với khoản vay tiền VND mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD. Trong khi đối với các DN xuất khẩu thì nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất nhiều, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ.
Hơn nữa, với một số DN trước đó đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng nên đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày). Khi đó, DN sẽ không được áp dụng các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ngoài các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều DN ở các nhóm ngành khác bày tỏ mong muốn cần có thêm những gói tín dụng có vai trò bảo lãnh trung gian của Chính phủ để hỗ trợ DN gặp khó, cần vốn.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh doanh quốc tế trước chính sách tài khoá và tiền tệ của Việt Nam được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế như hiện nay, TS. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, bất cứ khi nào một nền kinh tế gặp khó khăn thì việc “bơm” tiền nhanh chóng luôn là “giải pháp hữu hiệu ngay lập tức” - nhưng dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ.
Theo TS John Walsh, đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các DN này.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia chỉ rõ nếu tại thời điểm này vẫn phải áp dụng 100% các tiêu chuẩn hoạt động tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì rất khó cho cả tổ chức tín dụng và DN. Hơn nữa, cần xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020). Nhất là cần tạo điều kiện tối đa cho các DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với DN được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.