Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, nhiều ngư dân cho rằng vẫn khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ.
Theo Điều 4, Nghị định 67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Như vậy, để đóng một con tàu vỏ thép, chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư. Số tiền còn lại sẽ được ngân hàng thương mại cho vay. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm.
Tuy nhiên, với Nghị định 17 thì chủ tàu phải bỏ 100% kinh phí đóng mới tàu cá. Sau đó Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000 CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực hiện Nghị định 67, huyện Quỳnh Lưu có 52 tàu được đóng mới (trong đó có 4 tàu vỏ thép), với tổng kinh phí đã được giải ngân là 380,18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 17 trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn không có con tàu mới nào được đóng do ngư dân không mặn mà với cách triển khai nguồn vốn như đã nói; do ngư dân phải tự tìm nguồn vốn để đầu tư, sau khi hoàn thành con tàu mới được hỗ trợ.
Vì rằng đa số ngư dân muốn có tàu mới phải trông cậy vào việc vay ngân hàng thương mại (có thế chấp), không đơn giản chút nào.
Đóng mới đã khó, việc chuyển đổi (bán) cho chủ tàu chủ tàu khác theo Nghị định 17 cũng lại khó. Vì rằng người mua phải nhận toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao.
Một cán bộ Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, Nghị định 17 hỗ trợ tối đa 35% tổng giá trị chiếc tàu, nên một số chủ tàu đăng ký vay 30% tổng giá trị đầu tư, nhưng ngân hàng vẫn chưa chấp thuận. Vì vậy, nhiều ngư dân không xoay được nguồn vốn đầu tư, đành gác lại ước mơ sở hữu tàu composite công suất lớn.
Nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại ngại cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 17 là lo phát sinh nợ xấu. Bởi thực tế, toàn tỉnh Nghệ An có 104 chủ tàu được các ngân hàng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 với dư nợ cho vay 860 tỷ đồng. Hiện nay tình trạng nợ xấu trong vay vốn đóng tàu mới và cải hoán tàu cá theo Nghị định số 67 ở các địa phương có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì hiện có 42 chủ tàu nợ quá hạn, chiếm 41% tổng số chủ tàu đang được ngân hàng cho vay vốn với dư nợ 343 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ. Số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn là gần 60 tỷ đồng; trong đó, 29 chủ tàu bị chuyển nợ xấu, dư nợ xấu là hơn 210 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ.
Thống kê của Chi cục Thủy sản Nghệ An, thực hiện Nghị định 17 của Chính phủ, đến nay Nghệ An có 3 tàu cá vỏ thép được đóng mới, với tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng; trong đó ngư dân đầu tư 48 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 24 tỷ đồng.
Sau một năm đưa vào khai thác, sử dụng nhưng các tàu này chưa được nhận hỗ trợ nguyên do đến nay nguồn chính sách chưa bố trí nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm, mỗi con tàu được đóng theo Nghị định 17 phải trả lãi cho ngân hàng là 1,8 tỷ đồng.