Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định. Đồng thời, xây dựng kế hoạch lắp đặt camera và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Mới đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ), xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa… trên địa bàn TP Hà Nội khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Yêu cầu trên để nhằm đảm bảo thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cũng như quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, doanh nghiệp vận tải cần khẩn trương xây dựng kế hoạch lắp đặt camera và cam kết hoàn thành trước ngày 31/12/2021 theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 66/NQ-CP.
Đối với các đơn vị đã lắp đặt camera trên xe ô tô: Báo cáo về Sở Giao thông Vận tải Hà Nội danh sách các xe đã lắp đặt camera (số lượng phương tiện đã lắp/số lượng phương tiện phải lắp) với nội dung “Về việc lắp đặt camera trên xe ô tô” định kỳ trước 20 hàng tháng cùng với báo cáo kết quả hoạt động vận tải.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao phòng Quản lý vận tải tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Định kỳ vào ngày mùng 5 hàng tháng, tổng hợp và báo cáo UBND TP Hà Nội và Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, phòng Quản lý vận tải nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố, đề xuất tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận tải không nghiêm túc thực hiện các quy định.
Bên cạnh đó Sở Giao thông Vận tải giao Thanh tra Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với phòng Quản lý vận tải kiểm tra việc xây dựng kế hoạch lắp đặt camera và chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị vận tải.
Sở Giao thông Vận tải cũng giao Hiệp hội vận tải Hà Nội, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện việc lắp đặt camera trên xe theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và nội dung tại mục 6 của Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên do gặp khó khăn do dịch Covid-19, các xe không hoạt động suốt nhiều tháng. Để gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định trên, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất, Chính phủ đã có quyết định tạm ngưng áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên 9 chỗ và xe container, xe đầu kéo đến 31/12/2021.
Doanh nghiệp đề xuất giãn thời gian
Liên quan tới yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô, đại điện chủ hãng xe Sao Việt cho hay: Hiện không chỉ doanh nghiệp của ông, mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội… xin lùi thời hạn lắp camera giám sát trên xe tới 31/6/2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Nội dung thể hiện, do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng và doanh thu vận tải sụt giảm mạnh, trong kinh doanh vận tải khách chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Nhiều đơn vị phải cắt giảm phương tiện hoặc phải dừng hoạt động, nhiều đơn vị vận tải phải tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên cách đây mấy hôm, không riêng gì doanh nghiệp vận tải hãng xe Sao Việt, mà nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng nhận được văn bản của một số Sở Giao thông vận tải gửi về, yêu cầu thời gian lắp đặt camera giám sát trên xe phải xong trước ngày 31/12/2021.
Nhiều chủ hãng xe (đề nghị được giấu tên) cho hay: Sau ngày 3/5/2021, mỗi hãng cả chục xe phải nằm im trong bãi không hoạt động. Và sau tháng 9/2021 này, nếu các hãng xe khách được phép hoạt động trở lại thì cũng còn đầy rẫy những khó khăn do mỗi tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách, biện pháp quy định phòng, chống dịch Covid-19 phụ thuộc vào riêng vào tình hình địa phương, mà không tỉnh nào giống tỉnh nào.
Như sản lượng xuất bến chạy được bao nhiêu xe, mỗi xe được vận chuyển bao nhiêu khách… sẽ rất khó khăn cho vấn đề vận chuyển hành khách liên tỉnh.
Đại diện cho hãng xe Sao Việt chia sẻ: "Tới thời điểm này, trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, thực sự doanh nghiệp vận tải gần như đã kiệt sức. Thế mà giờ mỗi xe chưa biết có hoạt động vận tải nổi không, lại phải bỏ ra cả chục triệu để lắp camera cho mỗi xe trong thời điểm này, đối với doanh nghiệp hàng trăm xe thì quả là khó khăn, quá sức".
Đây là lúc cần thiết nhất mà Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam… và Chính phủ nên có một cơ chế chính sách nào đó để lùi thời gian, thời hạn lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, dù đã nhiều đề xuất lùi thời hạn lắp camera của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải lên trên, nhưng đều bị bác bỏ. Vẫn theo ông Liên, các đơn vị vận tải này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lùi thời hạn thực thi quyết định này tới ngày 1/7/2022 để doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục.