Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nhóm hàng tiêu dùng nhanh đang có sức tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có dân số đông thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á với gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16-60 tuổi). Chính đặc điểm này đang tạo ra một cơ hội lý tưởng để gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, cơ hội này liệu có được các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt? Theo TS. Lê Đăng Doanh, thời điểm thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN đang ở rất gần, các doanh nghiệp Việt không còn thời gia
TS. Lê Đăng Doanh.
PV: Thưa ông, gần đây, nhóm hàng tiêu dùng nhanh bắt đầu nổi lên là nhóm hàng được tiêu thụ khá mạnh mẽ ở trong nước. Vậy ông có thể nêu khái quát về các mặt hàng tiêu dùng nhanh và khả năng cạnh tranh của nhóm hàng này trong thời gian tới?
TS Lê Đăng Doanh: Hàng tiêu dùng nhanh là nhóm sản phẩm giá thấp, được tiêu thụ, quay vòng và hết hạn nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Nhóm hàng này có tính chất rất đặc thù, nó không ở trên kệ của các siêu thị hay các cửa hàng, đại lý bán lẻ được lâu, mà người ta phải bán trong thời gian ngắn, nếu là các mặt hàng tươi sống như thịt cá, rau quả thì phải bán trong khoảng 24 giờ, còn đối với các sản phẩm khác như bánh kẹo, sữa, nước đóng chai… cũng phải có thời hạn sử dụng (khoảng 6 tháng). Ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam thời gian gần đây đã có tiến bộ khá nhiều và cũng đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm ngoại nhập.
Tới đây, khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập (1-1-2016), hàng hóa Thái Lan tràn vào với thuế suất bằng 0, các mặt hàng tiêu dùng nhanh của chúng ta sẽ thực sự đối diện với sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm thế mạnh của Thái Lan. Các DN Việt Nam muốn cạnh tranh được, chỉ có một con đường duy nhất là cần phải liên kết nhau lại một cách chặt chẽ, tạo thành một chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm của nhau. Ví dụ DN sản xuất sữa tươi thì phải liên kết với các DN làm bánh kẹo, bơ và những sản phẩm khác có liên quan đến sử dụng, tiêu thụ sữa. Tôi cho đây là điểm mấu chốt để các DN trong nước có thể trụ vững trước các mặt hàng từ các nước ASEAN khi thời điểm cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập ở rất gần.
Thị trường nông thôn có tiềm năng rất lớn nhưng thời gian qua, dường như các DN của chúng ta vẫn chưa quan tâm khai thác nhiều đến thị trường này, quan điểm của ông thế nào trước thực tế này, thưa ông?
Tôi thấy có những công ty như Unilever đã rất quan tâm đến thị trường nông thôn Việt Nam. Họ rất sáng kiến ở chỗ đưa ra những sản phẩm giá cả rất hợp với mức thu nhập của vùng nông thôn. Ví dụ họ đã có sáng kiến, đưa ra thị trường những túi dầu gội đầu, dầu tắm chỉ có giá 1.000-2.000 đồng/túi và đã được người tiêu dùng ở nông thôn rất ưa chuộng. Đây là một trong những sáng kiến rất hay mà các DN của chúng ta cần phải học hỏi.
Nhiều DN cho rằng, họ chưa quan tâm đến thị trường nông thôn một phần vì lợi nhuận thấp trong khi lại phải bỏ ra nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Vậy, Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ thế nào để các DN trong nước quan tâm hơn đến thị trường nông thôn, thưa ông?
Tôi cho rằng, về phía các DN, trước hết cần chủ động hợp tác với nhau, điều quan trọng là phải tạo được quy mô, có được độ phủ đủ lớn, còn hiện nay, DN của chúng ta chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô quá bé nên sẽ rất khó khăn khi ký kết các hợp đồng với đối tác. Tôi lấy ví dụ, nếu DN chăn nuôi quá nhỏ, thì các DN thức ăn gia súc không ký hợp đồng với anh, lúc đó anh lại bị thương lái ép giá… và như vậy, giá sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng lại bị đẩy lên. “Cái vòng luẩn quẩn” đó tồn tại lâu nay chỉ vì DN của chúng ta quá nhỏ. Cho nên các DN, nhà sản xuất phải liên kết với nhau để có thể tạo quy mô lớn. Ví dụ DN chăn nuôi bò sữa phải liên kết nhau lại tạo ra được các trang trại chăn nuôi lớn. Đây là điều vô cùng quan trọng, quyết định xem chúng ta có thể trụ vững hay không vì trong tương lai khi chúng ta hợp tác TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), thì người Mỹ sẽ đến tận nơi, đến từng trang trại để kiểm soát xuất xứ sản phẩm như đối với con cá tra hiện nay, khi đó, nếu nhỏ bé quá, thì sản phẩm của chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!