Doanh nghiệp 'xin' cơ chế tiếp cận vốn ngân hàng

H.Hương 28/10/2023 07:59

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết dù đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng, song lúc cao điểm vẫn khó khăn khi tiếp cận vốn. DN đề nghị ngân hàng nên cấp tín dụng theo từng ngành hàng, có gói tín dụng, room tín dụng riêng cho từng ngành.

Doanh nghiệp đề nghị ngân hàng nên cấp tín dụng theo từng ngành hàng, có gói tín dụng, room tín dụng riêng cho từng ngành.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Công ty kinh doanh cà phê Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) cho biết, mặt hàng cà phê có đặc thù mùa vụ rất rõ ràng. Khi cao điểm, DN rất cần vốn để kinh doanh trong một thời gian ngắn nhưng việc tiếp cận tín dụng lại khó khăn nên rất khó xoay sở đủ nguồn vốn thu mua theo kế hoạch.

Theo bà Lan Anh, dù đã có quan hệ tín dụng 25 năm với các ngân hàng và được nhìn nhận là một DN có uy tín trên địa bàn, song Vĩnh Hiệp vẫn gặp những khó khăn khi tiếp cận tín dụng như bất kỳ DN kinh doanh cà phê nào khác.

“Chúng tôi luôn đảm bảo uy tín vay vốn, nhưng suốt 25 năm qua, ngân hàng chưa có sự thay đổi sản phẩm tín dụng, mới duy nhất có sản phẩm tín dụng bổ sung hạn mức, chưa phù hợp với DN xuất khẩu. Vì vậy, DN đề nghị ngân hàng xem xét để thay đổi, cấp tín dụng theo từng ngành hàng, có gói tín dụng riêng cho ngành cà phê” - bà Lan Anh kiến nghị.

Cũng theo đại diện DN này, ngân hàng có thể áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào các phương án sản xuất kinh doanh, cho vay tín chấp dựa trên uy tín của DN; đồng thời ưu tiên hạn mức mở rộng cho các DN cà phê ngay từ thời điểm đầu vụ là tháng 10 hàng năm, thay vì đến sát thời điểm chính vụ, trong thời gian ngắn không đủ để DN xoay sở.

Còn bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm - Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản cho biết, khó khăn chính trong tiếp cận vốn của DN vừa và nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng là do khả năng tài chính, khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, với DN sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính) song lại chưa được ngân hàng tính làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp khiến DN bất an trong quá trình sản xuất. Vì vậy, bà Trâm đề nghị các bộ, ngành cần có chương trình bảo hiểm nông nghiệp để giúp DN yên tâm sản xuất, đồng thời cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về ghi nhận tài sản trên đất để DN tăng khả năng tiếp cận vốn.

Trước thực tế này, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ở khu vực Tây Nguyên, hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp - ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm trong khu vực và trên thế giới. Để ngân hàng “yên tâm” cho vay tín chấp, DN cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số…

Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đối với các DN, nếu như xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng, cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của DN và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp 'xin' cơ chế tiếp cận vốn ngân hàng