Giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã nức tiếng xa gần. Không chỉ phục vụ sinh hoạt thường ngày cho người dân nơi đây, giếng cổ Gio An còn có ý nghĩa to lớn về mặt khảo cổ và ẩn chứa tiềm năng du lịch cộng đồng.
Nức tiếng gần xa
Đã nghe nhiều câu chuyện về giếng cổ Gio An, nhưng gần đây, chúng tôi mới có dịp về xã Gio An để được thấy, được nghe một cách tường tận về hệ thống giếng cổ tại đây.
Ông Trần Đức Thuyền (61 tuổi, cùng trú xã Gio An) cho hay, từ bao đời nay, các sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của người dân Gio An đều gắn chặt với giếng cổ. Không chỉ có giá trị về vật chất, các giếng cổ Gio An còn mang ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi này. Giếng cổ đã mang lại “hơi thở” cho vùng quê Gio An.
Các vị bô lão tại xã Gio An cho biết, với đặc trưng địa hình đất đỏ bazan và kỹ thuật lắp ghép, kè đá đặc biệt của người xưa nên nước ở giếng cổ luôn trong xanh, mát rượi.
Là thế hệ sau, nhưng anh Ngô Văn Huy (32 tuổi, người dân xã Gio An) cũng quả quyết, giếng cổ có ý nghĩa vô cùng to lớn và đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi thế hệ người dân ở đây. Tại đây có 14 giếng cổ, phân bổ ở nhiều thôn và được gọi với những cái tên dân dã, gồm: giếng Côi, giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào, giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy, giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai, giếng Máng và giếng Pheo.
“Người dân ở đây ai cũng từng tắm giếng này, uống nước giếng này và ăn món rau xà lách xoong mọc ở gần các giếng. Người lớn đi làm đồng về thì ghé vào giếng rửa tay chân, mặt mũi, uống miếng nước cho đỡ khát rồi về nhà. Ngày trước thì người dân còn ra đây tắm gội, giặt giũ… nhưng giờ công trình phụ nhà nào cũng có nên họ ra đây ít hơn. Dẫu vậy, những ngày hè nóng nực, giếng cổ vẫn là địa điểm tắm mát, vui đùa thỏa thích của đám trẻ con trong làng”, anh Huy nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Song - Chủ tịch xã Gio An cho biết, nước ở các giếng cổ Gio An chẳng những sạch, mát mà còn không bao giờ cạn. Với nguồn nước dồi dào đó, ngoài việc sử dụng trong sinh hoạt thường ngày như nấu ăn, tắm gội, nước tại giếng cổ Gio An còn phục vụ cho 70ha lúa và 12ha rau xà lách xoong - một loại rau đặc sắc tại địa phương.
Ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị) cho biết, đến nay vẫn chưa có một tư liệu nào có thể chứng minh được “tuổi thọ” của hệ thống giếng cổ Gio An. Tuy nhiên, với việc nghiên cứu nhiều năm qua, ông Chức cho rằng, hệ thống giếng cổ này đã được xây dựng hơn 1.500 năm.
Cũng theo ông Chức, ngoài phục vụ đời sống của người dân nơi đây, hệ thống giếng cổ Gio An còn có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực khảo cổ văn hóa và ẩn chứa tiềm năng du lịch cộng đồng.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Chủ tịch UBND xã Gio An nhận định, với nền tảng là hệ thống 14 giếng cổ và nhiều món ẩm thực mang hương vị đặc sắc riêng, địa phương có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Đình Hào đồng thuận với nhận định trên và cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng tại đây cần có sự quan tâm, chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành liên quan.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Song cho hay, qua thời gian và đặc biệt là qua các cuộc chiến tranh khiến hệ thống giếng cổ Gio An bị xuống cấp. Đến nay, 13 giếng (còn lại giếng Nậy) đã được trùng tu, khôi phục như hiện trạng ban đầu. Chính quyền địa phương cũng đã dựng các hàng rào bảo vệ giếng và tiến hành đo đạc cắm mốc phạm vi của giếng.
Để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, ông Song cho rằng, bên cạnh việc khôi phục, trùng tu hệ thống giếng cổ Gio An, UBND tỉnh Quảng Trị cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quang Chức cho biết thêm, đơn vị đang được giao nhiệm vụ làm quy hoạch bảo tồn đối với hệ thống giếng cổ Gio An nói riêng và hệ thống giếng cổ tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị nói chung.
Cũng theo ông Chức, các bước trong quy hoạch bảo tồn đối với hệ thống giếng cổ Gio An đã cơ bản hoàn thành. Về lâu dài, căn cứ quy hoạch bảo tồn, các đơn vị sẽ xây dựng quy hoạch phát triển du lịch.
“Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục để xây dựng quy hoạch bảo tồn chúng tôi phát hiện một số vấn đề. Cụ thể, ở khu vực phía thượng nguồn, do không có nước máy nên người dân đã khoan giếng lấy nước sinh hoạt; cùng với đó, cách các giếng cổ khoảng 30m, người dân đã tiến hành canh tác, trồng trọt khiến hệ thống thảm thực vật phía trên bị phá vỡ và trong quá trình cải tạo đất, việc một lượng lớn đá ở đây đã bị múc, vận chuyển đi khiến chất lượng nước ngầm chảy về các giếng cũng bị ảnh hưởng. Trong quá trình quy hoạch chúng tôi sẽ giới hạn lại khu vực nào được khai thác để bảo vệ giá trị tại các giếng cổ này”, ông Chức cho hay.