Độc đáo hát Dô xứ Đoài

Vũ Trần 07/04/2016 09:20

Nếu như trước kia, phải qua 36 năm khi làng mở hội tế thần, người dân vùng quê Liệp Tuyết mới được một lần nghe điệu hát Dô thì nay mỗi năm khi mở hội người làng lại được nghe làn điệu hát Dô say đắm lòng người.

Độc đáo hát Dô xứ Đoài

Trình diễn hát Dô xứ Đoài (Ảnh: Tạ Minh Trường).

36 năm mở hội một lần

Hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích, nay là xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (còn gọi là hội hát Dô), nơi thờ phụng Đức Thánh Tản Viên. Tương truyền, Đức Thánh Tản ngao du qua nhiều vùng ven sông Tích, từ Sơn Tây, qua Thạch Thất và về đến mảnh đất Lạp Hạ - xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) ngày nay, Ngài thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư thưa thớt, chưa biết làm nông nghiệp, bèn gọi dân làng đến dạy cho cấy cày. Đức Thánh Tản xuống ruộng làm trước, mọi người làm theo sau rồi ngài đi nơi khác.

Nhưng mãi tới 36 năm sau, Ngài mới quay trở lại. Thấy dân giàu có, thóc lúa đầy nhà, Ngài tập hợp nam thanh nữ tú trong làng đến để dạy múa hát, mở hội mừng dân no ấm được mùa, và đó chính là điệu hát Dô ngày nay. Hết hội, Ngài lại ra đi, dân làng lập đền thờ Ngài ở một mảnh đất gò cao có tên Khánh Xuân, thuộc thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết ngày nay, cứ 36 năm mới mở hội múa hát một lần, gọi là hội hát Dô. Hội hát Dô được mở lần cuối cùng vào năm 1926. Do chiến tranh, chu kì đó không được tổ chức lại. Những nguyên nhân đó cùng với tục kiêng hèm của diễn xướng đã vô tình dẫn đến diễn xướng hát Dô rơi vào quên lãng.

Hội Dô là một lễ hội lớn trong vùng xứ Đoài với nhiều nghi thức độc đáo. Trong ngày hội có tế lễ, rước kiệu, các trò chơi dân gian nhưng nổi bật nhất vẫn là phần ca hát các làn điệu Dô. Đội hình hát bao gồm một Cái hát (là nam) và các Bạn nàng (con hát) đều phải “sạch bụi” (không có tang ma).

Vào hội chính, từ ngày mùng 10 - 15 tháng Giêng, các thôn khênh kiệu vào làm lễ Cáo tế. Sau đó, thôn anh cả vào hát trước, rồi đến thôn anh hai, anh ba… Cứ lần lượt hát như thế đến ngày 15 tháng Giêng thì làm lễ giã hội, sách vở lại được cất vào tráp, không ai được nhắc lại. Bởi theo quan niệm của người xưa, nếu nhắc đến thì lời khấn sẽ mất thiêng, thậm chí còn bị Thánh... quở. Cũng bởi đó mà, hầu như hát Dô không được truyền dạy lại, chỉ có ai chăm chú lắng nghe thì học được. Theo những bậc cao niên trong làng thì đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Liệp Tuyết hầu như mất dấu về hát Dô.

Hóa giải một lời nguyền

Hát Dô có hai loại hát chính: hát Chúc (nội dung hát thuộc phần nghi lễ) và hát Bỏ bộ (Phần hát trữ tình) với hình thức thể hiện chủ yếu là diễn xướng. Cùng với những lời ca dịu ngọt và giai điệu mượt mà mang đậm âm hưởng trữ tình dân gian, nhưng đồng thời lại chứa đựng cả những tín ngưỡng “hèm” (cấm kị).

Các bài hát Dô như: “Trúc trúc, mai mai, nào khi trúc trúc mai mai; rồng ra dãi nắng, cú ngồi ngoài mưa...” hay “Rủ là rủ nhau, rủ là rủ nhau, ồ rằng lên núi, ồ rằng lên núi, lên núi hái chè. Hái dăm ba mớ, xuống khe, xuống khe ta ngồi, ta ngồi...” cất lên qua lời của những nghệ sĩ không chuyên Liệp Tuyết, hát Dô đã làm say đắm lòng người. Hơn thế, khi đặt vào bối cảnh thời gian công diễn 36 năm mới có càng khiến nhiều người tò mò và hứng thú.

Tưởng như những giai điệu đặc biệt đó sẽ mãi mãi biến mất, thế nhưng, với tình yêu nghệ thuật truyền thống và mong muốn được giữ gìn nét văn hóa xưa, độc đáo, một số nhệ nhân Liệp Tuyết đã rày công mày mò và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, trong số những nghệ nhân đó, phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, chủ nhiệm CLB hát Dô, một người có quá nửa đời người gắn bó với hát Dô.

Theo bà Lan thì việc sùng tín ngưỡng của người xưa như: tin vào lời nguyền của đức Thánh một cách thái quá, thời gian trình diễn loại hình nghệ thuật này quá xa nhau (36 năm), hơn nữa hát Dô lại lại là loại hình âm nhạc khó học... khiến cho người dần quên đi nét văn hóa tự bao đời.

Chỉ đến khi Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) phối hợp Phòng Văn hóa huyện Quốc Oai về khảo sát và mở một lớp truyền dạy hát Dô tại xã (1989), loại hình âm nhạc dân gian độc đáo này mới được quan tâm đúng mực. Lớp học đã mời 3 cụ cao tuổi Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều từng tham gia hội hát đền Khánh Xuân năm 1926 truyền dạy hát Dô cho lớp trẻ của xã và những vùng xung quanh. Cũng năm đó, đội hát Dô đã bắt đầu hát trong hội diễn văn nghệ của xã, rồi huyện.

Tuy là những làn điệu khó, nhưng nhờ tình yêu nghệ thuật dân tộc, nên nhiều học viên đều cố gắng theo học. Em Dương Thị Nhung, một học viên cho biết: “Em muốn cố gắng để học thêm thật nhiều điệu hát, bởi đây là nét truyền thống văn hóa của làng, hơn nữa lại là thể loại rất độc đáo”.

Hơn mười năm qua, nhờ có tài trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Quỹ Ford qua dự án bảo tồn và phát huy hát Dô, CLB hát Dô được thành lập, thu hút sự quan tâm của nhiều người trong làng. Tính tới thời điểm hiện tại bà Lan đã đào tạo được hơn 500 thanh thiếu niên thành thục điệu hát Dô, từng có nhiều buổi biểu diễn thành công cả ở trong và ngoài nước.

Người ta bảo sức mạnh từ tình yêu di sản văn hóa đã hóa giải được một lời nguyền. Điều ấy giúp cho hát Dô xứ Đoài đã thoát khỏi nguy cơ đứng bên bên bờ vực của sự mai một.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo hát Dô xứ Đoài