Xuất phát từ tình yêu với môi trường, chị Vũ Thị Ngọc Anh (27 tuổi, ở Hà Nội) đã dùng đôi tay “ma thuật” để “hô biến” những chiếc túi nilon, chai nhựa tạo thành túi xách, bông hoa vô cùng đẹp mắt.
Khởi đầu từ việc tiếc những chiếc túi nilong tráng bạc bị vứt đi cộng thêm tình yêu với môi trường, từ đầu năm 2020, Ngọc Anh tận dụng những phế liệu bỏ đi để tái chế chúng thành túi xách, bông hoa. Dần dà, Ngọc Anh có thêm các ý tưởng từ việc tận dụng các loại bao bì nhiều màu khác nhau, những sản phẩm của chị sau khi đăng tải lên mạng xã hội nhận về nhiều lời khen từ cộng động mạng.
Vốn tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, cũng từng thử sức làm việc ở một số môi trường khác nhau. Thế nhưng cuối cùng Ngọc Anh chọn từ bỏ hết tất cả, dành toàn bộ thời gian với công việc tái chế rác thải như hiện nay. Quyết định táo bạo của cô gái trẻ nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè.
Được người thân ủng hộ và như được tiếp thêm sức mạnh, Ngọc Anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của chính mình. Ban đầu, chị tận dụng những nguyên vật liệu khó phân hủy sẵn có xung quanh để tái chế nhằm tránh việc phải bỏ chúng ra môi trường. Về sau khi các ý tưởng mới được hình thành, cô gái trẻ cần nhiều hơn rác thái nên chủ động lên các hội nhóm để thu gom thêm nguyên, vật liệu. Chung tay cùng với cộng đồng bảo vệ môi trường.
Nói về ý tưởng tái chế rác thải, Ngọc Anh chia sẻ trước khi bắt tay vào làm công việc này, điều đầu tiên mình quan tâm đến không phải là việc liệu có nhận được hiệu ứng tốt hay được nhiều người ủng hộ hay không.
“Đây đơn giản là việc mình nên làm, một cách đóng góp khả năng cá nhân vào việc cải thiện môi trường chung trên thế giới. Và việc tham gia vào các cộng đồng yêu môi trường cũng giúp tâm lý mình thoải mái hơn rất nhiều khi chia sẻ và lan tỏa các ý tưởng trong công việc. Về khó khăn thì chắc hẳn ai bắt đầu công việc mới, đặc biệt là các công việc mang tính tự do hay độc lập thì cũng đều có lúc trải qua, tuy nhiên chủ yếu là vấn đề thử thách tâm lý, vì nếu chúng ta làm đúng việc, đi đúng đường thì mọi khó khăn đều sẽ đến lúc được giải quyết thôi”, Ngọc Anh nói.
Cô gái trẻ cho rằng việc được nhìn thấy, biết về tính đúng đắn trong ý nghĩa công việc, sự phù hợp giữa công việc với khả năng và tính cách bản thân cùng với tầm nhìn và nhận định khả năng phát triển công việc trong tương lai… Tất cả tạo nên động lực giúp Ngọc Anh hoàn thành ý tưởng và quyết tâm đưa những sản phẩm của mình tới gần hơn với những người xung quanh.
Ngọc Anh thường tận dụng các loại phế liệu thải ra môi trường từ các loại bao bì đóng gói (bao bì dày, loại ni lông có màu bạc bên trong, vỏ đồ ăn liền...), túi ni lông dùng một lần, các loại túi trong suốt, các loại túi nhựa màu, giấy gói hoa, quà (chất liệu ni lông) cho đến ruy băng cũ, giấy nhôm bạc đã qua sử dụng, bóng đèn LED hỏng, vỏ hộp sữa... Thậm chí ngay cả các loại viền túi và vụn ni lông cũng được Ngọc Anh tái chế trong các sản phẩm của mình để chúng không bị thải ra môi trường.
Nhắc đến những khó khăn và thách thức trên hành trình tái chế của mình, cô gái trẻ cho biết nghĩ ra là một chuyện nhưng bắt tay vào làm mới phát hiện lại là một chuyện khác. Bởi các yếu tố thiếu sót hoặc cần cải thiện thêm, hoặc thời gian thử nghiệm sản phẩm có thể kéo dài mà có khi làm sai, làm lỗi thì sẽ phải tháo ra làm lại từ đầu.
Thông thường để hoàn thành một mẫu túi xách từ phế liệu, Ngọc Anh mất khoảng 2 ngày. Đối với các sản phẩm khác phụ thuộc vào độ cầu kỳ, kích thước của sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, Ngọc Anh thường làm hàng loạt mẫu sau đó mới tiến hành gắn các nguyên vật liệu với nhau.
Hiện, Ngọc Anh vẫn còn khá nhiều ý tưởng chưa kịp triển khai, nên sắp tới cô gái trẻ cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu và hoàn thành công thức hướng dẫn. Việc lên video để hướng dẫn tái chế là việc trọng tâm và theo cô gái trẻ phương thức này sẽ mang lại mức độ lan tỏa cao nhất.
Ngoài ra, Ngọc Anh có thể sẽ tham dự một số sự kiện về môi trường để giới thiệu tới mọi người về công việc tái chế thủ công hoặc nhận lời hỗ trợ miễn phí tới các nhóm người cần giúp đỡ (ví dụ như hướng dẫn các hội nhóm người có hoàn cảnh khó khăn tái chế các sản phẩm) khi có điều kiện và cơ hội phù hợp.
Chính vì vậy, những sản phẩm do chính tay Ngọc Anh làm ra không dùng để bán, thay vào đó chúng đều được dùng để tặng cho những cá nhân đã làm sạch và mang nguyên liệu đi tái chế.
Ngọc Anh thường gửi tặng sản phẩm của mình cho các tổ chức môi trường để họ sử dụng cho các hoạt động vì cộng đồng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống, không gian sống xung quanh.
Thông qua các sản phẩm tái chế, Ngọc Anh mong muốn mỗi người có thể nhận ra vẻ đẹp và giá trị mà các sản phẩm làm từ phế liệu có thể đạt tới để tận dụng chúng một cách hiệu quả. Không chỉ giúp giảm rác thải, bảo vệ môi trường sống mà còn là tận dụng tài nguyên một cách thông minh, giúp đời sống và thu nhập được cải thiện.
“Hơn nữa vì đây là tái chế thủ công nên sẽ có thêm một thông điệp đặc biệt, rằng tái chế không phải luôn cần vốn nhiều, nhân lực lớn hay máy móc phức tạp, mà hoàn toàn có thể được làm bởi các cá nhân.
Sản phẩm tái chế vẫn có thể tạo được đầu ra không kém gì tái chế công nghiệp truyền thống (thậm chí khi gia tăng các yếu tố sáng tạo như kết hợp màu sắc và nét tinh tế của việc làm thủ công, giá trị sản phẩm sẽ dễ dàng được nâng cao hơn nữa). Con người có lợi thế lớn là sáng tạo và tỉ mỉ, chỉ cần tận dụng những điều này, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được những giá trị to lớn trong tương lai”, Ngọc Anh nhắn nhủ.