Mộc bản Trường học Phúc Giang là kho sách đặc biệt của dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 23/5, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trưng bày “Mộc bản Trường học Phúc Giang - Di sản tư liệu thế giới” nhằm giới thiệu đến công chúng và du khách một di sản quý.
Trưng bày mộc bản Trường học Phúc Giang tại Hà Nội.
Khối mộc bản duy nhất về giáo dục của một dòng họ
Với gần 100 hiện vật gồm tài liệu, sách, ảnh, bản dịch nghĩa, các mô hình tái hiện mộc bản bằng gỗ… lần đầu tiên, người dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội được tận mắt chứng kiến, hiểu hơn tài liệu phục vụ cho việc dạy và học tại Trường học Phúc Giang (một trường tư được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh lập tại tỉnh Hà Tĩnh vào giữa thế kỷ XVIII).
Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn cho biết: “Đây là mộc bản của một trường học địa phương - hay ngày xưa gọi là trường làng - đã từng đào tạo được gần 30 Tiến sĩ. Việc trưng bày mộc bản trường học Phúc Giang tại Văn Miếu - trường học trung ương - là một sự vinh dự, đồng thời cũng để quảng bá, giới thiệu về di sản của ngôi trường thuộc mảnh đất Hà Tĩnh”.
“Mộc bản Trường học Phúc Giang” là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại tư gia dòng học Nguyễn Huy (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và Bảo tàng Hà Tĩnh.
Các ghi chép xưa cho thấy, bộ Mộc bản Trường học Phúc Giang có khoảng hơn 2.000 bản gỗ thị đực, được khắc chữ Hán và Nôm để in sách phục vụ việc dạy học, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc - Hà Tĩnh) chế tác và gìn giữ.
Trải qua thời gian dâu bể, đến nay chỉ còn 383 bản, dài 25 - 20 cm, rộng 15 - 18 cm và dày 1 - 2 cm. Phần lớn mộc bản khắc 2 mặt là nội dung sách, số ít khắc một mặt là tên sách, tờ đầu, tờ cuối và lời tựa sách.
Nội dung mộc bản được các nhà giáo họ Nguyễn Huy rút gọn các quyển sách kinh điển của Nho giáo như “Tính lý đại toàn”, “Ngũ kinh đại toàn”, khắc lên gỗ để in thành sách dùng trong nhà trường và quyển sách “Thư viện quy lệ” (Quy chế của Trường Phúc Giang).
Mộc bản trường học Phúc Giang lưu trữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 5 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Nguyễn Huy Cự (1717 - 1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) và Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790). Đây là các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình 3 thế hệ họ Nguyễn Huy tại Trường Lưu.
Chứa đựng nhiều tri thức tinh hoa
Theo các nhà nghiên cứu, người có công sáng lập, duy trì Mộc bản Trường học Phúc Giang là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) cùng những danh nhân văn hóa trong dòng họ Nguyễn Huy... Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám.
Vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, bộ Mộc bản Trường học Phúc Giang được giới nghiên cứu cho rằng, chứa đựng nhiều tri thức tinh hoa có tác dụng to lớn thời bấy giờ về lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao, biển đảo, nho giáo và các vấn đề liên quan khác. Đặc biệt, có một số bản đồ khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia rất có giá trị về mặt chứng cứ lịch sử.
Theo GS. TS Nguyễn Huy Mỹ- hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), lý do Mộc bản Trường học Phúc Giang được UNESCO công nhận bởi đây là di sản văn hóa của quá khứ được để lại cho đến ngày hôm nay chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu. Bộ mộc bản này có niên đại thuộc loại sớm nhất Việt Nam (cách đây khoảng 250 năm) còn được lưu giữ.
Nghiên cứu cho thấy, mộc bản này ra đời còn sớm hơn cả mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận trước đó.
Một điều tạo nên sự độc đáo nữa, đó là toàn bộ mộc bản Trường Lưu được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ.
Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên mới lưu giữ được đến ngày nay.