Đến với đồng bào Tày ở làng Khuổi Kỵ, xã Đoài Côn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hiếm có của những ngôi nhà sàn bằng đá. Chất liệu đá chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn ở các vùng khác.
Nằm giữa hai điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Ðàm Thủy (huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng), làng đá Khuổi Kỵ nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá. Cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá vùng biên giới đã khiến nhiều người tìm đến đây.
Đường từ thác Bản Giốc vào lãnh địa của những ngôi nhà sàn đá chỉ kéo dài khoảng 2 cây số. Thôn Khuổi Kỵ như lạc giữa một thành quách chiến lũy được bài binh bố trận bởi những bức tường đá bao bọc các ngôi nhà.
Người dân nơi đây cho biết làng đá có từ những năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên vỉa tầng văn hóa độc đáo trong tổng thể vùng văn hóa đa dạng trên mảnh đất vùng biên viễn này.
Kể về phong tục xây dựng nhà sàn đá, loại hình kiến trúc văn hóa độc đáo và phổ biến của người Tày, theo ông Nông Ích Đạt, Trưởng xóm Bản Gun - Khuổi Kỵ: Đầu tiên người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống.
Nhà sàn có hai mái được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong nhà dựng bằng gỗ, chiều sâu từ 5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 - 2,5m. Chiều cao của nhà thường từ 7 – 8 m. Nhà thường có 3 gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt.
Để xây dựng được nhà sàn bằng đá, người dân chọn vật liệu chủ yếu là đá vôi, có những mặt phẳng nhất định và kích cỡ không quá to. Sau khi tập kết đủ vật liệu, chủ nhà sẽ chọn thợ lành nghề để xây dựng. Căn nhà xây dựng thường kéo dài từ 3-6 tháng. Trước đây, các vật liệu để xây dựng khan hiếm, thường thường người thợ sẽ dùng vôi đã tôi hoà với nước và mật mía, cát để làm vật liệu dính các viên đá với nhau. Bốn bức tường bao quanh nhà thường được xây có độ dày khoảng 40 cm.
Phụ thuộc vào kinh tế của từng hộ có thể xây dựng rộng từ 3 - 5 gian. Từ khai thác và gia công đá là một công việc khó khăn, nặng nhọc, thợ xây phải có tay nghề cao, đá chọn để xây nhà phải tốt, không bị phong hóa, nứt nẻ, có 3 mặt vuông vắn... Trong quá trình xây dựng một ngôi nhà đá quan trọng nhất là khâu đặt góc. Vì vậy, khi đặt góc phải là những thợ lành nghề lâu năm có kinh nghiệm. Nói cách khác, thợ xây là những người có tay nghề cao để lựa chọn những viên đá không có hình dạng giống nhau nhưng khi đặt vào tường luôn vuông vức, cân đối.
Cùng với đó là mái lợp ngói máng, các cột, ván bưng vách... được lựa chọn từ các cây gỗ tốt mang về ngâm nước cho bền, dai và không bị mọt. Nhà sàn được cấu tạo năm gian, ba gian với bốn mái hoặc hai mái. Có cửa chính ở gian giữa. Bàn thờ đặt ở gian giữa đối diện với cửa chính. Trước bàn thờ là không gian để tiếp khách, sau bàn thờ thường là bếp. Trên bếp là nơi chứa ngô, thóc...
Hai gian bên là buồng ngủ. Bên dưới sàn có độ cao khoảng 2 m là nơi để nông cụ. Trước cửa hoặc bên hiên nhà có sàn phơi ngô, thóc... Cầu thang lên nhà cũng được xây dựng bằng đá nên rất chắc chắn.
Nhà sàn làm bằng gỗ thường thoáng, mát, nhưng nhà sàn xây bằng đá có kết cấu bền vững, các cửa sổ, cửa gió rất kiên cố, phù hợp với điều kiện sống của đồng bào trước đây có nhiều thú dữ, an ninh không bảo đảm nên cấu trúc nhà sàn xây bằng đá nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ. Nhà sàn được xây dựng bằng đá ấm vào mùa đông, mát về mùa hè và thể hiện được sự cẩn trọng, chu đáo của người Tày.
Đặc biệt, đồng bào dân tộc Tày ở huyện Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Bà con coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó.
Theo các bậc cao niên ở Khuổi Kỵ thì đá là sự kết tụ âm dương.Với tục thờ đá, thì đá còn là niềm tin, niềm kiêu hãnh. Sự hiện hữu bền vững của những ngôi nhà sàn bằng đá nơi đây còn ẩn chứa thông điệp quý giá, rằng ở bất cứ nơi đâu, con người sẽ tìm thấy sự hòa hợp tuyệt vời nếu biết trân trọng thiên nhiên.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất của người dân nơi đây được nâng cao, những ngôi nhà sàn bằng đá ngày càng ít đi và được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, nhưng những ngôi nhà sàn đá xen giữa cộng đồng là minh chứng cho nền văn hóa đậm bản sắc của người Tày ở Cao Bằng.