“Đó là ở đâu - Đó là ở đây: Đàn Đó và Nguyễn Đức Phương” là tên gọi của buổi tọa đàm diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện do nhóm nghệ sĩ Đàn Đó và Trung tâm nghệ thuật đương đại đồng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam thông qua Quỹ FAMLAB (Phim-Nhạc-Lưu trữ), Chương trình Di sản kết nối.
Đây cũng là tên cuộc triển lãm kéo dài một tháng, từ 18/9 đến 18/10, trưng bày những nhạc cụ từ tre, chum sành từ làng gốm Phù Lãng và cả những bức họa về nhóm nghệ sĩ sáng tạo nên những sản phẩm này.
“Đàn Đó” thành lập năm 2012, ban đầu gồm Nguyễn Đức Minh, Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự.
Trong gần 3 năm tiếp theo, một xưởng làm việc tự dựng ở Gia Lâm (Hà Nội) trở thành nơi họ tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các nhạc cụ và cách diễn tấu - chủ yếu với tre, chất liệu thường gặp ở Đông Nam Á trong âm nhạc cũng như đời thường.
Có thể kể đến chiếc đàn đó được dùng cho tên nhóm, âm sắc sáng, trong, hình dáng giống đó đánh cá; trống chum- chiếc chum gốm thường dùng chứa nước, như một nhạc cụ bộ gõ tạo âm thanh trầm, vang; trống lợn- làm từ gốc tre, tiếng cộc, tinh nghịch…
“Đàn Đó” cũng đẩy tiếp các thử nghiệm về chuyển động và hình thể, kết hợp cùng nhạc cụ tự chế, nhạc cụ bản địa, thuộc khuôn khổ nhiều dàn dựng sân khấu đa dạng.
Trong giai đoạn này, Nguyễn Đức Phương trở thành thành viên thứ năm. Anh ghi lại hoạt động của nhóm qua tranh và ký họa, từ đó tìm ra bước ngoặt của thực hành nghệ thuật cá nhân khi bắt đầu chế trộn đất dùng làm bột màu, tìm tòi và thử các kỹ thuật về đường nét, sắc độ, bề mặt.
Xuyên suốt quá trình sáng tạo này là sự truyền cảm hứng qua lại giữa nhạc và tranh. Không nhằm miêu tả, ghi chép chính xác đời thực, tranh của Nguyễn Đức Phương biểu đạt tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm của “Đàn Đó”. Những cảnh hoạt mở ra, sinh động lúc tìm tre, chế tác nhạc cụ…
Đàn Đó được sáng tạo dựa trên một loại đàn truyền thống của khu vực Tây Bắc với chế tạo cầu kỳ hơn như lên dây, khoét lõi để tạo hộp cộng hưởng, vỗ lên thân đàn bằng tay thay vì gõ bằng que. Để ra được một sản phẩm, nhóm phải thực hiện rất nhiều công đoạn, thử nghiệm rất nhiều mới được một chiếc đàn như ý.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh, thành viên nhóm chia sẻ: Đàn Đó không có gì triết lý cao siêu, nó mộc mạc, gần gũi như tên gọi của nó, hình dáng giống cái Đó bắt cua, bắt cá, là vật dụng hằng ngày gắn liền với đời sống của người nông dân. Nó gắn kết mọi người với nhau qua sự rung cảm chân thành bằng âm nhạc... rất con người.
Tọa đàm chính là những chia sẻ của về hành trình của nhóm để chế ra những nhạc cụ mới từ tre và chum sành, kết nối những giá trị dân gian với người trẻ Việt Nam. Một dự án kéo dài gần chục năm để hoàn thành…
Tại buổi khai mạc sự kiện, nhóm đã trình diễn một tiết mục nghệ thuật kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và những động tác múa xiếc đầy uyển chuyển, khéo léo.
Trong khuôn khổ triển lãm, kéo dài từ nay đến 18/10, cũng sẽ có những workshop nho nhỏ về tiết tấu và nhạc cụ cho khách tham quan ghé thăm.
Nhóm thực hiện triển lãm cho biết, các tương tác thú vị này (cả về âm nhạc và hội họa) sẽ còn diễn ra xuyên suốt thời gian triển lãm, ngẫu hứng hoặc lên kế hoạch trước. Nếu bạn tình cờ bắt gặp các nghệ sĩ tại không gian, đừng ngại trò chuyện và hỏi han. Vì sự chia sẻ chính là điều họ hướng đến với dự án này.