Chúng ta nói nhiều đến đọc sách và văn hoá đọc như một hình thức quan trọng hình thành tri thức, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mà tri thức đang được coi như chìa khoá của thành công. Hơn nữa đứng ở góc độ chiến lược phát triển quốc gia, thì xu hướng đọc sách như thế nào và đọc sách gì có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước.
Đọc sách và văn hoá đọc như một hình thức quan trọng hình thành tri thức.
Thời buổi này có những con số cũng không còn phản ánh thực tế đời sống nữa. Ví dụ tỉ lệ đầu sách tại thư viện trên tổng số dân không còn là số liệu có nhiều ý nghĩa. Hình thức đọc sách ngày nay đã mở rộng, phong phú hơn rất nhiều. Hệ thống nhà sách văn minh hiện đại phát triển khắp nơi. Sách nhiều, đẹp và rất dễ tìm mua. Chưa kể sách điện tử đã rất phổ biến. Kênh đọc sách trong thư viện chẳng những không còn độc quyền mà thậm chí đã xếp xuống hàng thứ yếu.
Có rất nhiều người bi quan cho rằng văn hoá đọc ngày nay mai một, nhất là đối với giới trẻ. Tuy nhiên, nói cho công bằng, điều này cũng chưa hẳn. Rất khó để định nghĩa đầy đủ về “văn hoá đọc”. Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi bút tích vào sách, hay sưu tầm sách cũ. Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Đọc có nhiều hình thức khác nhau, trong khi tri thức nhân loại thì mênh mông và việc tiếp nhận kiến thức dưới các hình thức khác nhau đều có ý nghĩa như nhau vậy.
Đối với nhiều nước trên thế giới, có lẽ sự phát triển của sách gắn với văn hoá đọc sách phải được bắt đầu bằng những nhà xuất bản lớn, có uy tín trong việc kiểm soát một cuốn sách từ lúc mua bản quyền đến lúc phát hành. Và ở trong mỗi gia đình là những tủ sách được giữ gìn, bổ sung qua nhiều thế hệ.
Nếu những cuốn sách có chất lượng ở nước ngoài được đánh giá bởi hệ thống các nhà xuất bản, các nhà phê bình và những cơ quan truyền thông có uy tín thì đôi khi sách ở Việt Nam hay được thông tin theo kiểu rỉ tai nhau, ví dụ cuốn này ám chỉ, cuốn kia sắp bị cấm... để đổ xô nhau đi tìm. Hiếm khi xuất hiện thông tin về một cuốn sách hay theo nghĩa là sự hấp dẫn về tri thức hoặc về chất lượng nghệ thuật. Người Việt thích những cuốn sách theo kiểu tò mò hơn là vì tìm thấy ở đấy những điều có khi có tính thay đổi cả số phận.
Để xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai, bồi đắp năng lực phẩm chất một thế hệ những người Việt Nam mới hôm nay thì vấn đề đặt ra là cần xây dựng chiến lược cho văn hoá đọc như thế nào? Người Việt Nam ở vào thời kỳ hội nhập này cần đọc những cuốn sách gì? Cần tiếp cận với những tri thức như thế nào?
Chúng ta đang có lợi thế “đứng trên vai người khổng lồ”, sách và tri thức nhân loại ồ ạt vào ta, dường như không còn rào cản. Các công ty tư nhân được phép liên kết xuất bản hiện nay dịch và xuất bản không còn thiếu một dạng sách nào, một cuốn sách nào trên thế giới. Những bản sách vừa đứng hàng best – seller trên thế giới đã gần như lập tức có mặt ở Việt Nam. Nhưng liệu như thế đã đủ với chúng ta chưa? Nếu chúng ta chỉ cần tiếp cận với toàn bộ kiến thức nhanh nhất, hấp dẫn nhất của các nước trên thế giới có đủ để chúng ta hình thành một thế hệ người Việt Nam làm chủ được đất nước mình hay không?
Ngày nay phải chăng vẫn cần có hệ thống tri thức chứa đựng trong sách vở được định hình vừa để theo kịp cùng nhân loại vừa phù hợp với văn hoá, với hệ thống tư tưởng, quan niệm sống của người Việt. Gọi nôm na là những cuốn sách mà người Việt Nam cần phải đọc.
Kỹ năng đọc là một phần tối quan trọng của văn hóa đọc. Hầu hết độc giả Việt Nam chưa có kỹ năng đọc sách. Trong các nhà trường, chưa có một môn học nào dạy cho học sinh kỹ năng này. Trong gia đình, thói quen đọc sách cũng không có nhiều điều kiện phát triển. Đứng ở chiến lược quốc gia khi coi đọc sách như một kênh để xây dựng con người Việt Nam, để phát triển nguồn nhân lực thì cần phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc trong quần chúng, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức của người dân.
Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Từ đó, mỗi người sẽ tự phân hóa, chọn lọc dòng sách mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày. Lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cả nước theo những chặng đường 10 năm, 20 năm không phải chỉ để thu nhận kiến thức mà còn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Không lúc nào là quá muộn để hình thành một nền văn hóa đọc như một chiến lược phát triển nguồn lực con người cho một quốc gia!