Riêng với Hà Nội, Sở Xây dựng vừa rà soát số lượng chung cư cũ trên địa bàn TP, theo đó thời điểm này trên địa bàn TP đã tăng thêm, vào khoảng 2.000 chung cư (thống kê thời điểm năm 2020 là 1.579 chung cư). Đặc biệt, trong kế hoạch cải tạo chung cư cũ lần này, TP đã đầu tư kinh phí để thực hiện kiểm định, lập quy hoạch chi tiết dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định mới (Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư).
Về công tác di dời hộ dân tại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư có nhà nguy hiểm cấp D phải phá dỡ để tiến hành xây dựng lại cho thấy, đến nay đã hoàn tất công tác di dời chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).
Đối với 5 nhà chung cư cũ nguy hiểm gồm nhà C8 khu tập thể Giảng Võ, nhà G6A khu tập thể Thành Công, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, 2 đơn nguyên đầu hồi khu tập thể Bộ Tư pháp và nhà 148 - 150 Sơn Tây công tác di dời các hộ dân vẫn chưa hoàn thành.
Dễ nhận thấy, hệ thống các nhà chung cư của Hà Nội đã xây dựng được 60 năm, còn mới nhất cũng đã ngót 30 năm. Nhiều khu nhà đã quá cũ, quá nhếch nhác, mất an toàn. Chiếm 60% chung cư cũ cả nước, hàng chục năm Hà Nội chỉ cải tạo được 1,2%.
Tìm cách gỡ khó trong cải tạo các chung cư cũ, nhấn mạnh việc triển khai cải tạo chung cư cũ là cần thiết, ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, băn khoăn: Từ 30 năm nay, Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ, nhiều cuộc họp lớn nhỏ đã bàn bạc, đưa ra các giải pháp với tính chất cấp thiết nhưng tại sao đến nay chúng ta mới chỉ cải tạo được rất ít.
Theo ông Nghiêm, việc cải tạo chung cư cũ hay xây mới ngoài thực hiện theo sát Luật Đất đai, cần áp dụng triệt để Luật Thủ đô. Về cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học trong Đề án nên bổ sung thêm kinh nghiệm học hỏi của các nước bạn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Các nước có cả đề án xã hội hóa cải tạo chung cư cũ rất hay, được 100% nhân dân ủng hộ. Từ mô hình này, chúng ta có thể học hỏi cách làm, các bước thực hiện, cơ sở pháp lý cũng như tác động để nâng cao nhận thức người dân.
“Việc cải tạo lại chung cư cũ hay xây mới sẽ góp phần bảo tồn di sản, tạo ra bộ mặt mới xứng tầm giá trị Thủ đô”, ông Nghiêm nhìn nhận.
Dù vậy, nhiều ý kiến đề xuất, việc cải tạo phải phát huy tối đa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Nếu làm tốt 3 chủ thể này thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, thành phố phải kiến nghị để tính toán lại tỷ lệ phần trăm người đồng thuận. Cần có giải pháp thuyết phục, xử lý người không chấp hành nếu không sẽ khó thực hiện.
Hiện Sở Xây dựng cũng đã cơ bản hoàn thành kiểm định 126 chung cư cũ trên địa bàn TP. Liên quan đến công tác này, Sở Xây dựng vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, công tác đánh giá kết quả kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội được tiến hành theo 6 bước gồm: Các tiêu chí đánh giá về sự phù hợp của báo cáo kết quả kiểm định; tiêu chí về công tác khảo sát công trình; tiêu chí đánh giá về mức nguy hiểm của cấu kiện; tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của nhà; đánh giá nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ; tổng hợp kết quả đánh giá.
Nhằm đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn trong điều kiện Chính phủ dành 15.000 tỉ đồng trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và dự án cải tạo, xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư cũ.