Binh nhất Nguyễn Văn Lượng (đơn vị e4-f324, quê Phú Thọ) tử nạn năm 1975 tại Thừa Thiên - Huế trong một lần đơn vị cử đi họp nhưng không được công nhận là liệt sĩ. Phản ánh với Đại Đoàn Kết về vấn đề này gia đình quân nhân mong muốn nhận được trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.
Hành trình 50 năm gửi đơn thư
Di ảnh của binh nhất được đặt trang nghiêm trên bàn thờ của gia đình ông Vũ Văn Khoa (em trai cùng mẹ khác cha của quân nhân Nguyễn Văn Lượng) tại xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đã 47 năm, những nén hương tưởng nhớ quân nhân này chưa bao giờ tắt...
Nguyễn Văn Lượng nhập ngũ tháng 12/1972 vào đơn vị e4-f324 đóng quân tại Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"Một người lính luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sống rất nghĩa tình" - ông Phạm Quang Thứ (69 tuổi, người xã Vân Đồn, Đoan Hùng, đồng đội nhập ngũ cùng vào đơn vị) nói với PV Báo Đại Đoàn Kết. Ông Thứ kể, ngày 8/4/1975, trên đường đi làm nhiệm vụ, binh nhất Nguyễn Văn Lượng đã gặp tai nạn và tử vong.
Khi nhận giấy báo tử, vì quá đau buồn, bà Bùi Thị Ân, mẹ của quân nhân Nguyễn Văn Lượng đã xé nát tờ giấy. Nhưng rồi thấm cảnh chiến tranh, hy sinh mất mát là khó tránh, bà lại nghe nói tỉnh Thừa Thiên - Huế đã an táng liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng tại nghĩa trang xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, nên dần nguôi ngoai. Song chỉ sau đó vài năm, khi hay tin quân nhân Nguyễn Văn Lượng không được công nhận liệt sĩ, bà Ân đổ ốm liên miên.
Từ năm 1977 đến nay, gia đình ông Vũ Văn Khoa vẫn từng ngày mong mỏi các cơ quan chức năng sớm công nhận anh trai ông – quân nhân Nguyễn Văn Lượng - là liệt sĩ. Người nhà thay nhau lên xã, lên huyện, lên tỉnh và lên đến cả Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), rồi Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, thậm chí đến gõ cửa Bộ tư lệnh QK2 để mong tìm được tiếng nói công bằng cho anh trai.
Dù gia cảnh khó khăn nhưng ông Khoa vẫn cố gắng “khăn gói” vào tận Thừa Thiên - Huế, rồi vào đơn vị cũ của anh trai, lại quay ra Cục Người có công Bộ TBLĐXH... song cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
"Gia đình đã từ lâu rất muốn đưa hài cốt anh tôi từ Thừa Thiên - Huế về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, nhưng xã nào dám tiếp nhận..." - ông Khoa nói.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Thứ cũng cho biết, ông và 16 đồng đội cũ đã cùng viết giấy xác nhận về cái chết của binh nhất Nguyễn Văn Lượng gửi đi nhiều nơi, cùng gia đình ông Vũ Văn Khoa kiến nghị về một danh phận liệt sĩ cho trường hợp này.
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin, làm nhân chứng về sự hy sinh của binh nhất Nguyễn Văn Lượng cho cơ quan chức năng bất cứ lúc nào" – ông Thứ nói đồng thời nhớ lại, ngày đó, đồng chí Lượng được tiến hành truy điệu cùng nhiều đồng đội khác, rồi được đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Chiến tranh kết thúc, ông Thứ cùng nhiều đồng đội may mắn sống sót đã đến thăm gia đình, lúc đó mới biết đồng chí Lượng chưa được công nhận liệt sĩ. “Hàng năm anh em tề tựu lại ôm nhau khóc vì thấy thiệt thòi cho anh Lượng” - ông Thứ chia sẻ.
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Hường (xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng), một đồng đội cũ năm xưa ở đơn vị e4-f324 cho biết: "Tôi đã cùng đồng chí Lượng đi bộ đội một ngày, cùng tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận. Đồng chí Lượng là một chiến sĩ thi đua của đơn vị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Ngày đồng chí Lượng hy sinh, tôi và đơn vị đã trực tiếp mai táng. Nay tôi về địa phương, biết gia đình đồng chí Lượng chưa được hưởng chế độ liệt sĩ, tôi làm đơn này đề nghị các cơ quan liên quan làm thủ tục liệt sĩ cho đồng chí Lượng, và cho gia đình khỏi thiệt thòi...".
Ai đã lĩnh 270.000 đồng tiền tuất?
Ngày 30/8/1975, tức khoảng 4 tháng sau khi quân nhân Nguyễn Văn Lượng tử nạn, một số mộ liệt sĩ, trong đó có binh nhất Nguyễn Văn Lượng, được đơn vị e4-f324 bàn giao cho UBND xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế quản lý.
Một ngày giữa tháng 7, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã tìm về nghĩa trang xã Lộc Bổn. Nằm sát những ngôi mộ liệt sĩ khác, tại ô mộ số 97, hàng số 6, lô số 6, khu A, có mộ bia ghi trang trọng: Liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng (SN 1954) đội 2, Tân Phú, Tiêu Sơn, Vĩnh Phú (nay là xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng), hy sinh ngày 8/4/1975.
Các cơ quan, đơn vị như Sư đoàn 324, Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND xã Lộc Bổn đều xác nhận có liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng nằm tại nghĩa trang Lộc Bổn. Đặc biệt, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, cũng có văn bản số 40/XN-BCH "xác nhận liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1954, trú tại xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, nhập ngũ tháng 12/1972, đi B tháng 6/1973, con ông Nguyễn Văn Soạn và bà Bùi Thị Ân, hiện có tên trong sổ sách gia đình quân nhân B,C-số sổ 84-2" đang lưu trữ tại Huyện đội.
Mọi việc tưởng chừng đã rõ, binh nhất Nguyễn Văn Lượng sẽ được công nhận là liệt sĩ với những văn bản pháp quy và thông tin của nhân chứng góp vào hồ sơ thủ tục. Tuy nhiên gần nửa thế kỷ trôi qua, binh nhất Nguyễn Văn Lượng vẫn chỉ được những người đến thắp hương tại nghĩa trang xã Lộc Bổn nhìn thấy là "liệt sĩ" trên tấm bia mộ.
Thực tế, từng ngày, từng giờ cả gia đình của binh nhất này vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình dài đi gõ cửa khắp nơi chỉ với mong muốn duy nhất lấy lại danh phận liệt sĩ cho người đã nằm xuống.
Cách đây hơn hai năm, ngày 27/5/2020, Cục Người có công Bộ TBLĐXH có văn bản số 773/NCC-HSTTLS đã trả lời: "Qua tra cứu danh sách quản lý liệt sĩ lưu tại Cục Người có công không có liệt sĩ Nguyễn Văn Lượng, nguyên quán..., trú quán..., theo thông tin Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ cung cấp". Trước đó, ngày 22/5/2020, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ có công văn số 533/BHXH–VP về việc trả lời xác minh báo tử liệt sĩ.
Theo đó, qua thực hiện rà soát tra "Sổ tuất quân đội một lần" được lưu trữ tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ, thấy có tên quân nhân Nguyễn Văn Lượng. Trích lục ghi: "Binh nhất Nguyễn Văn Lượng chết ngày 8/4/1975, lý do chết: TNRR (tai nạn rủi ro), mức trợ cấp 270.000 đồng".
Đến ngày 4/6/2020, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ có văn bản số 1482/PCT-CS về việc trả lại hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ.
Văn bản nêu, qua kết quả kiểm tra sổ quản tử sĩ hiện cơ quan này đang lưu giữ, cũng như qua xác minh tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ, quân nhân Nguyễn Văn Lượng đã được giải quyết chế độ tuất một lần cho thân nhân. Do đó, trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Lượng không được xem xét xác nhận là liệt sĩ!
“Gia đình tôi chưa từng nhận 270.000 đồng tiền tuất một lần như Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ nói” - ông Vũ Văn Khoa bức xúc. "Ông bà cụ mất đã mấy chục năm, nhưng hồi còn sống cũng chưa nhận được tiền gì. Trên xã, trên huyện, trên tỉnh cũng chưa bao giờ gọi gia đình tôi lên nhận tiền tuất bao giờ. Và nếu nhận thì phải ký nhận chứ. Vậy chữ ký ở đâu?” – ông Khoa đặt câu hỏi.
Làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phú Thọ cũng chưa cung cấp được thông tin tiền tuất nói trên đã được trao cho gia đình binh nhất Nguyễn Văn Lượng như thế nào. Dư luận xã hội mong một câu trả lời thích đáng từ cơ quan chức năng đối với sự việc này.