Ghi nhận từ các chuyên gia cho thấy, việc lùi thời gian áp dụng chương trình phổ thông và SGK mới tới năm học 2019- 2020 không chỉ giúp cho công tác chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng hơn, mà còn là điều kiện để triển khai các hoạt động truyền thông, tạo sự tin tưởng, lạc quan, yên tâm và đồng thuận của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của phụ huynh, của học sinh và các tầng lớp nhân dân.
Môi trường học đường tốt là yếu tố quan trọng để học trò phát triển.
Tiếp tục trưng cầu ý kiến nhân dân
ĐBQH Dương Trung Quốc tán thành về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Ông cho rằng, cách nghĩ nào cũng tốt, phương án nào cũng hay nhưng nên chia sẻ và tạo môi trường ủng hộ cho ngành giáo dục, bởi phía trước họ vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách; nhất là ở lĩnh vực này không cho phép được sai sót. Vẫn theo ông Quốc, việc lùi lại để thực hiện đổi mới không phải là biện minh cho sự chậm trễ mà rất cần chúng ta cần chia sẻ trước những khó khăn cũng như ghi nhận sự quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho biết dù có lùi thời điểm áp dụng chương trình mới đến năm 2019-2020 vẫn phải gấp rút chuẩn bị vì còn rất nhiều việc phải làm. Việc đầu tiên là phải hoàn tất, ban hành chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Tuy khẳng định còn nhiều việc phải làm, song ông Thuyết cũng bày tỏ quan điểm rằng không nên lùi thời hạn áp dụng chương trình phổ thông mới quá xa, vì điều đó sẽ làm giảm sự hào hứng, động lực đổi mới. Hơn nữa, dù có lùi đến thời điểm nào thì khâu chuẩn bị cũng cần được xây dựng bài bản và thực hiện khẩn trương.
Đổi mới toàn diện chứ không thể vá víu
Không phải cho đến thời điểm này, yêu cầu đối mới chương trình giáo dục phổ thông mới được đặt ra. Từ nhiều năm trước, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng đặt vấn đề. Không chỉ nói, chỉ nghĩ, bà còn chủ trì những nhóm nghiên cứu về đổi mới giáo dục, nhằm đến một mục tiêu: Khai dân trí.
Bà phân tích trong nhiều năm qua, Đảng đã nêu ra một loạt quan điểm về giáo dục, phù hợp với yêu cầu và đường lối đổi mới kinh tế - xã hội của Đảng. Nhưng nhìn lại, những quan điểm đúng đắn đó mới dừng ở nhận thức ban đầu, chưa được cụ thể hóa và quán triệt đầy đủ trong hành động. Vì vậy, giáo dục chưa thực sự chuyển biến. Tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục đang là nỗi bức xúc của cả xã hội và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu kém, lạc hậu trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Cho tới Đại hội XI đặt vấn đề: “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, rõ ràng yêu cầu đổi mới đã thực sự trở nên cấp bách.
“Tôi và nhiều chuyên gia giáo dục khác đều cho rằng, muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ, như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện. Những vấn đề này, tôi đã nhiều lần phát biểu với Bộ GD&ĐT, cả với một số các đồng chí có trách nhiệm ... nhưng rất tiếc, đã không được ai lắng nghe...”- bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh.
Theo phân tích của bà, đặt ra nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở thời điểm này bởi giáo dục đang lạc hậu, bất cập so với yêu cầu hiện nay và lại bất cập so với yêu cầu mà chúng ta mong muốn đối với giáo dục. Chỉ có điều chúng ta phải giải quyết những bất cập này như thế nào cho bài bản, có lộ trình. Ở hầu hết các nước tư bản hiện nay, giáo dục phổ thông của họ cũng do Nhà nước lo, giáo dục ĐH thì phi lợi nhuận. Việt Nam còn nghèo thì chúng ta phải tính từng bước. Xác định kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phải xác định thị trường ở những lĩnh vực cụ thể, chứ không phải lĩnh vực nào cũng là hàng hóa.
Như đã nói, vì còn nghèo nên mình phải tính từng bước trong giáo dục, có những bậc học Nhà nước đã miễn phí, có phần Nhà nước đã lo được, có phần phải xã hội hóa, nhưng cũng phải cẩn thận vì xã hội hóa và thương mại hóa hoàn toàn khác nhau. Hiện nay chúng ta đang có chệch choạc trong vấn đề này, dẫn đến những quan niệm lệch lạc, giáo dục không phải là thứ để kinh doanh lấy lợi nhuận. Chỗ này ta đang bị bung ra mà chưa đủ sức quản lý.
Trước thực tế học sinh tiểu học cho dù được đi học miễn phí nhưng các gia đình vẫn đang phải đóng rất nhiều loại tiền cho con, bà Bình lý giải đó là sự thiếu minh bạch. Chỗ này cần phải làm rõ: Nhà nước lo được đến đâu, chỗ nào chưa lo được cần công khai cho nhân dân biết. Còn những phần gì Nhà nước chưa lo được thì trước mắt gia đình và xã hội phải lo. Thông báo công khai rõ ràng, thì người dân mới biết vì sao mình phải đóng góp…
Trăn trở với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ rất lâu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: Đổi mới căn bản và toàn diện thì phải làm một cuộc cải cách giáo dục chứ không thể nào giải quyết từng việc theo kiểu vá víu.