Đổi mới cách làm du lịch

MINH DUY 05/11/2023 06:47

Số liệu mới được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam công bố, trong 10 tháng đầu năm gần 900.000 lượt khách Việt Nam đến Thái Lan, cao gần gấp đôi lượng khách Thái Lan đến Việt Nam là gần 500.000 lượt. Câu hỏi đặt ra tại sao lượng du khách đến Việt Nam còn khiêm tốn, du khách nội địa cũng không mặn mà với du lịch trong nước. Vậy, du lịch Việt Nam cần đổi mới như thế nào để níu chân du khách, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Du khách quốc tế trải nghiệm non nước Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Quang Vinh.

Loại bỏ tư duy tận thu

Trở về sau chuyến du lịch Thái Lan cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Tác (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Người Thái làm du lịch rất bài bản với dịch vụ chuyên nghiệp. Du lịch Thái Lan này nói không với chặt chém, hàng hóa phong phú giá cả ổn định, đồng bộ minh bạch ở bất cứ điểm dừng chân nào.

Là người từng đến nhiều quốc gia trên thế giới ông Tác quan niệm du khách tìm tới một điểm đến là đi tìm sự thư giãn bởi thế rất cần sự an toàn và minh bạch. “Nhưng những yếu tố đó chúng ta lại chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách bởi tư duy làm theo mùa vụ, mạnh ai nấy làm. Như vậy sẽ hạn chế khách quay lại. Muốn thu hút lượng du khách tới Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta buộc phải thay đổi”, ông Tác chia sẻ.

Còn với cách nghĩ của một bạn trẻ chọn du lịch Thái Lan - Lê An Khánh (quận Lê Chân, Hải Phòng) hào hứng bày tỏ: Tôi quyết định trải nghiệm Thái Lan cho kỳ nghỉ 2/9 vừa qua là do vé máy bay khá rẻ, giá phòng, ăn uống, hàng hóa… đều phải chăng, đa dạng, các điểm vui chơi phong phú phù hợp với từng lứa tuổi. Đặc biệt trong chuyến đi tôi còn gặp những bác tài vô cùng nhiệt tình kiêm hướng dẫn viên miễn phí. Hay anh chủ homestay giúp chúng tôi lên lịch trình tham quan chi tiết. Một chủ tiệm ăn vui vẻ tặng chúng tôi những ly nước mát lạnh do thời tiết quá nóng… Có lẽ đó là lý do khiến du khách muốn trở lại Thái Lan.

Không riêng Thái Lan, khách du lịch Việt Nam cũng nằm trong Top 10 thị trường khách lớn đến Hàn Quốc. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Singapore cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 227.300 khách Việt Nam đến Singapore, đưa Việt Nam xếp thứ 11 về thị trường gửi khách đến Singapore.

Cách làm du lịch của Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore cho thấy, khách Việt rủ nhau ra nước ngoài du lịch vì trong nước phần lớn vẫn chưa thể sửa lề lối cũ kỹ manh mún, tranh thủ, với tư duy tận thu một lần rồi thôi và hậu quả là du khách không muốn quay lại.

Như mới đây, với cách làm du lịch ở Phú Quốc (Kiên Giang) khiến điểm đến được ca ngợi như "ngôi sao đang lên" bị du khách tẩy chay. Suốt thời gian qua, việc Phú Quốc sụt giảm mạnh lượng khách là câu chuyện gây sốt của ngành du lịch. Trong dịp lễ 2/9, Phú Quốc chỉ đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt nhà hàng, bãi biển, khu du lịch, dịch vụ ca nô vốn nổi tiếng ở khu vực nam đảo Phú Quốc, thị trấn Dương Đông, An Thới đều đìu hiu thưa vắng khách; khách sạn, resort cao cấp, bình dân công suất phòng khai thác chỉ đạt 20 - 30%. Thậm chí, có nhà hàng cho biết lượng khách đến dịp lễ 2/9 giảm khoảng 70% so với năm trước.

Một điểm du lịch được ưa chuộng mỗi dịp nghỉ lễ là Đà Lạt (Lâm Đồng) giờ đây cũng dần vắng khách. Những năm trước vào mỗi dịp nghỉ lễ và cuối tuần Đà Lạt thường đông đúc bởi du khách từ khắp nơi đổ về. Nơi đây cũng luôn nằm trong top những địa điểm du lịch thu hút đông khách nhất nhì ở Việt Nam. Nhưng lượng khách đến Đà Lạt giảm sâu thời gian gần đây, trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua số phòng lưu trú chỉ đạt công suất 55%. Thời điểm này, nhiều hàng quán đã buộc phải đưa ra quyết định sang nhượng hay có những nơi tìm cách thay đổi để có thể tiếp tục hoạt động…

Với những hạn chế trên, chị Ngọc Hoa - chủ một homestay ở Ninh Bình cho rằng, người ta làm du lịch cần cho đi rồi mới có thể nhận lại. Cụ thể là thái độ thân thiện, giá cả phải chăng, dịch vụ chuyên nghiệp… thì du khách mới trở lại và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Chúng ta chỉ tận thu 1 lần thì tỷ lệ quay lại của khách thấp, thậm chí người nọ truyền tai người kia những người mới cũng e ngại không muốn đến nên số lượng ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó, chúng ta cần đổi mới tư duy làm du lịch, nên nhìn tổng thể thì du lịch mới tốt lên, đừng mạnh ai nấy kiếm, hãy để du khách thấy giá cả minh bạch, ổn định ở các nơi để tạo sự tin tưởng. Vì thế những người làm du lịch cần đổi mới cách làm vì lợi ích chung.

Du lịch Việt cần làm tốt chính sách để thu hút du khách trong những tháng cuối năm.

Kỳ vọng mùa cuối năm

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 10 tháng của năm 2023, ngành du lịch đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, riêng tháng 10 Việt Nam đón khoảng 1,11 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 10 tháng với 2,9 triệu lượt và Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với 1,3 triệu lượt. Cả hai thị trường này chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đứng thứ ba là thị trường Mỹ với 667.000 lượt, tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) 606.000 lượt, thị trường Nhật Bản 469.000 lượt... Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan dẫn đầu số lượng khách đến Việt Nam với 392.000 lượt khách, tiếp đến là Malaysia với 372.000 lượt, Campuchia xấp xỉ 326.000 lượt. Thị trường Australia và Ấn Độ cùng đạt 314.000 lượt.

Trong tháng 10, du lịch Việt Nam cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, như: lần thứ 7 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017 - 2023); lần thứ 2 liên tiếp được bình chọn là Điểm đến Spa tốt nhất châu Á (2022 - 2023). Thành phố Hà Nội được bình chọn là Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 và Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023. Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) đón nhận Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UNWTO.

Căn cứ tình hình thực tế, vừa qua Bộ VHTTDL đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên khoảng 12 - 13 triệu lượt, nhằm tạo động lực mới góp phần đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch hiệu quả, bền vững. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, việc ngành du lịch Việt Nam sẽ đón thêm khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng cuối năm là hoàn toàn khả thi.

Dù vậy, giới chuyên gia lại quan tâm tới chất lượng khách du lịch. Đó là vấn đề chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận. Chúng ta cần những nghiên cứu về số liệu du khách như: Có bao nhiêu khách du lịch ở Việt Nam trên 3 ngày, bao nhiêu khách chỉ ở lại 1 ngày. Hoặc chi tiêu trung bình một ngày của du khách… Nhưng hiện những số liệu như thế lại không có. Nhìn sang các nước việc này phải được điều tra hằng năm rất minh bạch để thấy được mặt hạn chế kịp thời tham mưu Chính phủ những chính sách tháo gỡ ngay. Trong khi Luật Du lịch đã có định nghĩa thế nào là khách du lịch. Vậy thì ta phải thống kê theo đúng định nghĩa. Nhưng với số liệu du khách được công bố hằng năm, chúng ta còn nặng “bệnh” thành tích nên du lịch khó có thể bứt phá.

Theo Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài, ghi nhận tại một hội chợ du lịch ở châu Âu mới đây cho thấy sức mua du lịch vẫn còn rất chậm. Do vậy, ngành du lịch được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, khó trông chờ bùng nổ thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi đó, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là chỗ dựa chính, nhưng nếu không có chương trình kích cầu thì sẽ rất khó. Người dân cũng bị ảnh hưởng, dù tâm lý đi du lịch vẫn có. Chi tiêu cho du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng nếu chúng ta có chính sách kích cầu phù hợp, mùa du lịch cuối năm vẫn khả thi.

Ở một góc nhìn khác, phía doanh nghiệp thông tin năm 2022, nhóm tour gia đình chiếm tỉ lệ hơn 60%, còn lại là khách hàng cá nhân. Bởi vậy xu hướng này sẽ được tiếp tục trong năm nay. Đồng thời cảnh báo những thách thức cho các điểm đến du lịch chính là câu chuyện quản lý điểm đến và kiểm soát giá, tránh tình trạng "chặt chém", tăng giá bất thường.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á: Tạo sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch

Mỗi quốc gia đều có những chiến lược để phát triển du lịch, đặc biệt là với Thái Lan. Câu chuyện du lịch chính là cán cân để phát triển kinh tế, vì vậy, Thái Lan sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ, trợ giá cho những dịch vụ nhằm thu hút khách như máy bay, khách sạn, lữ hành... và phần trợ giá đó sẽ được nhà nước khéo léo lấy lại qua các dịch vụ mà khách du lịch sử dụng. Do đó, chúng ta cần làm thật tốt câu chuyện chính sách nhất là mở cửa thị thực, trợ giá dịch vụ để thu hút du khách. Từ đó, khai thác triệt để những giá trị mà du khách mang lại mới tạo được sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch.

Mặt khác, việc nâng mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 từ 8 triệu lên 12 - 13 triệu lượt khách của du lịch Việt Nam hiện nay là phù hợp. Chủ trương này hứa hẹn tạo động lực để các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút quốc tế. Bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, cùng với cơ hội từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8, du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn mở rộng việc đón khách, nhất là khách quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp luôn sẵn sàng triển khai các kế hoạch đón khách, hy vọng các doanh nghiệp du lịch sẽ tiếp tục mở rộng các thị trường mới để thu hút thêm nhiều khách. Để đạt được cũng như vượt xa hơn nữa mục tiêu mới đề ra, bên cạnh những công việc đang làm, ngành du lịch cần chú trọng hơn nữa việc truyền thông, quảng bá về những chính sách mới để tạo hiệu ứng giúp tiếp cận thị trường mới.

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Xử lý chộp giật, chặt chém cần chế tài rõ ràng

Việc chấn chỉnh tình trạng du lịch làm ăn chộp giật, chặt chém khách mới chỉ là "phần nổi". Có những nguyên nhân gốc rễ cần được giải quyết. Như câu chuyện ở điểm đến Phú Quốc (Kiên Giang) đã đến lúc nghiêm trọng. Nơi đây phát triển nóng vội khiến đầu tư quá ồ ạt, không theo quy hoạch nên thiếu tính bền vững. Người làm du lịch có tầm nhìn còn ngắn, không quản lý được chất lượng sản phẩm. Tất nhiên, việc quy hoạch không thể vừa đưa ra đã làm tốt ngay. Trong quá trình thực hiện vẫn cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Về một số nơi làm du lịch theo kiểu chộp giật, chặt chém cần phải xử lý kiên quyết, không chỉ đơn thuần tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp địa phương, mà phải có chế tài rõ ràng. Tương lai của một điểm du lịch trọng điểm như Phú Quốc cần Chính phủ và các cơ quan ban ngành chung tay vào cuộc. Điều chỉnh lại những chỗ có khả năng điều chỉnh, thậm chí chấp nhận hy sinh cho lợi ích tương lai mới lâu dài và bền vững.

Chúng ta có thể tham khảo cách làm như của Thái Lan, thành lập đội cảnh sát du lịch. Đội cảnh sát du lịch giúp đảm bảo an ninh cho du khách, người làm du lịch và cả doanh nghiệp địa phương, tiếp nhận những phản ánh trực tiếp để hỗ trợ kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới cách làm du lịch